Xu hướng sử dụng các sản phẩm nhựa có thể tái chế và tái sử dụng nhiều lần tại các nước Bắc Âu
Tại các nước Bắc Âu, nhựa và các sản phẩm nhựa được nhập khẩu và tiêu thụ khá nhiều và tăng trưởng ổn định qua các năm. Nhựa được dùng trong bao bì đóng gói, xây dựng, nông nghiệp, ô tô, điện tử…
Ảnh minh họa.
Theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA), mức thuế nhập khẩu vào Liên minh châu Âu dành cho nhựa và các sản phẩm nhựa (chương 39) của Việt Nam giảm về 0% kể từ ngày 1/8/2020. Do vậy, ngành nhựa và các sản phẩm từ nhựa được đánh giá là có tiềm năng khi xuất khẩu sang thị trường các nước EU nói chung và Bắc Âu nói riêng.
Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường đang được EU và các nước Bắc Âu đặc biệt quan tâm như EU đã cam kết 50% vật liệu nhựa đóng gói phải được tái chế và tái sử dụng đến năm 2025; Chính phủ các nước thành viên phải thực hiện tái chế bao bì nhựa đóng gói (không bao gồm chai nhựa PET) 30% đến năm 2020 và 50% từ năm 2021; 50% tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa đến năm 2040. Theo Chính phủ Thụy Điển, tất cả các cửa hàng bán lẻ thực phẩm phải tái chế bao bì đóng gói vào năm 2022 và tất cả nhựa và bao bì đóng gói nhựa từ các cửa hàng tạp hóa/siêu thị phải sử dụng vật liệu không hóa thạch hoặc có thể tái chế… Điều này đã gây áp lực lên các nhà sản xuất, các nhà kinh doanh nhựa và vật liệu nhựa phải có giải pháp cải tiến công nghệ, sử dụng nguyên vật liệu phù hợp và không gây hại đến môi trường và sức khỏe con người mới có thể cạnh tranh trên thị trường Bắc Âu nói riêng và thị trường châu Âu nói chung.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nhựa và các sản phẩm nhựa vào thị trường Bắc Âu, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia xuất bản cuốn sách “Thị trường nhựa và các sản phẩm nhựa Bắc Âu”, giới thiệu tổng quan về thị trường, quy mô, xu hướng tiêu dùng, phân khúc thị trường, tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu của các nước, các kênh phân phối, các quy định thị trường, đối thủ cạnh tranh và cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhựa và các sản phẩm nhựa của Việt Nam.
Thụy Điển: Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Thụy Điển, lượng sản xuất và xuất khẩu trung bình nguyên liệu nhựa thô của Thụy Điển hàng năm gần như tương đương nhau, vào khoảng hơn 1.150 triệu tấn. Hầu hết các nguyên liệu nhựa thô được sản xuất tại Thụy Điển đều được xuất khẩu. Cũng theo số liệu thống kê của Cơ quan này, từ năm 2010 – 2017, việc sử dụng nhựa ở Thụy Điển đã tăng gần 300.000 tấn mỗi năm, hoặc tăng hơn gần 30kg nhựa/mỗi người.
Và để phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu, Thụy Điển nhập khẩu trung bình khoảng 1,2 triệu tấn nguyên liệu thô mỗi năm. Theo tính toán, mỗi người Thụy Điển tiêu thụ khoảng 130 kg mỗi người/mỗi năm. Trong đó, tiêu thụ trung bình khoảng 325.000 tấn bao bì, 262.000 tấn cho ngành công nghiệp xây dựng, 134.000 tấn cho ngành phương tiện vận tải, 39.000 tấn cho ngành điện tử, 25.000 tấn chai nhựa PET, 18.000 tấn cho các sản phẩm trong ngành nông nghiệp, và 455.000 tấn cho các sản phẩm khác.
Về bao bì: Theo thống kê của Cơ quan bảo vệ môi trường, Thụy Điển tiêu thụ trung bình 215.600 tấn bao bì nhựa (không bao gồm chai nhựa PET) mỗi năm. Tuy nhiên, theo Cơ quan này, lượng tiêu thụ thực tế còn nhiều hơn do các công ty không báo cáo đầy đủ, cũng như số lượng bao bì bị lãng phí và nhập khẩu của tư nhân không được báo cáo. Do vậy, nếu kết hợp cả bao bì chưa phân loại và bao bì nhựa rác thải sinh hoạt hang ngày, khối lượng tiêu thụ ước tính lên tới khoảng 325.000 tấn.
Năm 2019, thị trường Thụy Điển sử dụng 1,3 triệu tấn bao bì (bằng giấy, gỗ, thủy tinh, kim loại và nhựa) cho các loại hàng hóa. Trong đó, 325.000 tấn bao bì nhựa. Ngoài ra, còn có một lượng bao bì nhựa không xác định đi kèm với các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Thụy Điển.
Về chai nhựa PET: Thụy Điển tiêu thụ trung bình khoảng 25.000 tấn cho chai nhựa PET mỗi năm.
Về ngành xây dựng: Nhựa và các sản phẩm từ nhựa được dùng rất nhiều trong ngành xây dựng, có thể được sử dụng để chống ẩm ngoài trời cho các tòa nhà, làm vật liệu cách nhiệt…
Nhựa được dùng trong các tòa nhà xây dựng do chi phí rẻ và thời gian sử dụng lâu dài, lên tới 30 – 50 năm. Trong những năm gầy đây, việc sử dụng nhựa và các sản phẩm từ nhựa trong ngành xây dựng của Thụy Điển tăng lên đáng kể và chiếm khoảng 20-21% lượng tiêu thụ nhựa mỗi năm, đứng thứ hai sau ngành bao bì. Có khoảng 262.000 tấn nhựa được sử dụng và khoảng 150.000 tấn chất thải nhựa được tạo ra trong lĩnh vực xây dựng mỗi năm.
Tại Thụy Điển, không khó có thể tìm thấy các sản phẩm nhựa ở mọi nơi như sàn nhà, vật liệu để bảo vệ tường, tấm poly cho mái nhà, các loại màng, vật liệu cách nhiệt, đường ống, các loại cửa sổ, cáp, thảm trải sàn, tường… Các sản phẩm ống nhựa, vật liệu cách nhiệt và thảm trải sàn và tường là nhóm sản phẩm lớn nhất trong ngành xây dựng. Các loại polyme được sử dụng phổ biến nhất là PVC, tiếp theo là PE, PP và EPS.
Dựa trên thông tin từ các nhà sản xuất, ước tính lượng ống nhựa được lắp đặt ở Thụy Điển lên tới 100.000 tấn mỗi năm. Ống nhựa chứa các polyme khác nhau tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Trước đây, loại polyme sử dụng nhiều nhất là PVC, nhưng ngày nay PE chiếm ưu thế với 60-70%, tiếp theo là PVC và PPCO20. Lượng ống PVC được sản xuất ước tính vào khoảng 20.000 tấn mỗi năm trong giai đoạn 2000 – 2017. Một loại polyme khác là PEX, được tìm thấy trong các ống để sưởi ấm dưới sàn. Tuy nhiên, PEX có vấn đề trong việc tái chế vật liệu vì nó không thể bị nấu chảy.
Đối với sàn nhà, theo Hiệp hội thương mại sàn nhà Thụy Điển, năm 2017, Thụy Điển đã bán ra thị trường khoảng 6,4 triệu m2 sàn nhà bằng nhựa, tương đương 18.000 – 20.000 tấn mỗi năm, trong đó 90-95% là nhựa PVC.
Về xe cộ: Trung bình mỗi năm, có khoảng hơn 440.000 chiếc xe được đăng ký lần đầu tại Thụy Điển. Mỗi một chiếc xe mới dự kiến tiêu dùng khoảng 300 kg nhựa, xe tải và xe bus khoảng 500 kg. Do vậy, theo tính toán của Cơ quan bảo vệ môi trường Thụy Điển, Thụy Điển đã tiêu thụ khoảng trên 134.000 tấn nhựa vào xe cộ, phương tiện vận tải.
Tuy nhiên, trong năm 2020, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh khiến cho số lượng xe ô tô đăng ký lần đầu năm nay giảm còn 303.196 chiếc xe. Do vậy, ước tính lượng tiêu thụ nhựa cho xe cộ, phương tiện vận tải giảm trong năm 2020.
Polypropylene là loại nhựa phổ biến nhất trong xe cộ, và nhiều loại khác cũng được sử dụng. Những loại nhựa này thường được kết hợp với chất độn và các chất phụ gia khác, chẳng hạn như chất chống cháy. Sợi thủy tinh và bột talcum là những chất độn phổ biến khiến nhựa khó tái chế.
Đồ điện tử: Các sản phẩm điện tử khác nhau có lượng nhựa khác nhau. Rấy khó để ước tính tỷ lệ nhựa. Ví dụ, một chiếc ti vi mới có chứa khoảng 33% nhựa, tủ lạnh và tủ đông chứa khoảng 9% nhựa. Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Thụy Điển, trung bình Thụy Điển tiêu thụ khoảng 39.000 tấn nhựa mỗi năm.
Ngành nông nghiệp: Các sản phẩm nhựa dùng cho ngành nông nghiệp như màng trồng trọt, bao tải, thùng chứa… và theo ước tính tiêu thụ khoảng 18.800 tấn nhựa nông nghiệp mỗi năm.
Ngành y tế: Bộ phận chăm sóc sức khỏe của Thụy Điển ước tính đã mua khoảng 813.000.000 sản phẩm dùng một lần trong năm 2017. Gần một nửa số lượng sản phẩm dùng một lần là găng tay, với tổng trọng lượng khoảng 2.100 tấn. Túi máu và tạp dề dùng một lần được ước tính lần lượt là 80 tấn và 1.900 tấn.
Các sản phẩm khác: Một lượng lớn nhựa được dùng để sản xuất các sản phẩm như đồ chơi trẻ em, đồ nội thất, đồ gia dụng và đồ thể thao… Ước tính các sản phẩm này được tiêu thụ khoảng 455.000 tấn mỗi năm. Hai công ty là nhà sản xuất nguyên liệu nhựa thô lớn nhất của Thụy Điển là Borealis và Inovyn ở Stenungsund.
Đan Mạch: Nhựa và các sản phẩm từ nhựa được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới và Đan Mạch không phải là ngoại lệ.
Theo số liệu của Cơ quan thương mại quốc tế, năm 2020, Đan Mạch đã nhập khẩu khoảng 1.302.302 tấn nhựa và xuất khẩu khoảng 322.925 tấn nhựa đi các nước khác. Chênh lệch xuất khẩu và nhập khẩu có thể thấy số lượng nhựa được Đan Mạch tiêu dùng trung bình mỗi năm khá là lớn. Trong đó, nhập khẩu 542.892 tấn được nhập khẩu dưới dạng nhựa nguyên sinh; và khoảng 759.410 tấn được nhập khẩu dưới dạng bán thành phẩm, và thành phẩm cuối cùng.
Về sản xuất, Đan Mạch không sản xuất nhựa nguyên sinh nên phải nhập khẩu hoàn toàn, chỉ có một phần nhỏ nhựa được sản xuất hàng năm là do tái chế nhựa. Để bảo vệ môi trường, hàng năm Đan Mạch sẽ tiến hành thu gom rác thải bằng nhựa và tái chế lại để sử dụng.
Ngành xây dựng và nhà ở Đan Mạch tiêu thụ khoảng 130.000 tấn nhựa mỗi năm. Các lĩnh vực khác như hộ gia đình, dịch vụ, nông nghiệp, các lĩnh vực khác… tiêu dùng khoảng 840.000 tấn nhựa mỗi năm. Cũng giống như Thụy Điển, nhựa được tiêu thụ chủ yếu bởi ngành công nghiệp xây dựng, gia dụng, nông nghiệp và bao bì.
Theo phân loại polymer cụ thể, PE được nhập khẩu nhiều nhất, tiếp theo là PET, và PP.
Na Uy: Theo báo cáo Giảm ô nhiễm nhựa và tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn thông qua mở rộng trách nhiệm các nhà sản xuất của Na Uy, ước tính có hơn 300.000 tấn nhựa được đưa vào thị trường Na Uy mỗi năm. Trong đó, 222.000 tấn liên quan đến bao bì nhựa và 80.000 tấn là các sản phẩm khác. Đối với các sản phẩm gia dụng, ước tính tiêu thụ tương đương khoảng 20,5 kg trên mỗi người.
Theo báo cáo của Grønt Punkt – một công ty phi lợi nhuận của Na Uy, chuyên cung cấp tài chính cho các chương trình hoàn vốn cho các loại bao bì thủy tinh, nhựa, kim loại, bìa cứng… lượng nhựa và các sản phẩm nhựa được đưa vào tiêu thụ và thu hồi lại để tái chế năm 2018 như sau:
Theo báo cáo của Gront Punkt – thu thập số liệu từ các thành viên của tổ chức mình, năm 2018, các nhà sản xuất đưa vào thị trường tiêu thụ 171.344 tấn nhựa dùng làm bao bì đóng gói. Trong đó, 80.669 tấn bao bì đóng gói đồ gia dụng, 46.055 tấn dùng cho ngành công nghiệp, 12.844 tấn dùng cho ngành nông nghiệp, 25.385 tấn dùng cho các chai đựng đồ uống và 6.392 tấn dùng cho nhựa EPS (polystyrene giãn nở).
Trong thời gian tới, nhu cầu, tập quán thương mại và các thông tin thị trường Bắc Âu nêu trên là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp Việt Nam có thể làm ăn kinh doanh lâu dài với đối tác thương mại quan trọng này.
Minh Anh
Bình Luận