Top 3 doanh nghiệp Việt xuất khẩu cá tra lớn nhất sang Mỹ
Theo VASEP, Vĩnh Hoàn, Thủy sản Biển Đông và Vạn Đức Tiền Giang lần lượt là 3 doanh nghiệp Việt có kim ngạch xuất khẩu cá tra lớn nhất sang Mỹ.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), lũy kế từ đầu năm 2023 đến ngày 15/8, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đạt 169 triệu USD, giảm 59% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu không mấy lạc quan đối với cá tra Việt Nam trong những tháng đầu năm nay do lạm phát, kinh tế suy giảm. Đặc biệt tồn kho mặt hàng này tại Mỹ ở mức cao, chủ yếu do nửa đầu năm 2022 các doanh nghiệp Mỹ tăng nhập khẩu cá tra, nửa cuối năm lượng tiêu thụ không khả quan khiến tình trạng tồn kho kéo dài sang tận năm 2023.
Giá xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ dao động ở mức 2,97 – 3,45 USD/kg trong 6 tháng đầu năm 2023. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sản phẩm cá tra phile đông lạnh; cá tra cắt miếng/cắt khúc đông lạnh; cá tra tẩm bột đông lạnh; khô cá tra phồng, da cá tra chiên sang Mỹ.
Về doanh nghiệp, Vĩnh Hoàn, Thủy sản Biển Đông và Vạn Đức Tiền Giang là ba doanh nghiệp của Việt Nam có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cá tra lớn nhất sang Mỹ với lần lượt 51%, 18% và 11%.
Liên quan đến vấn đề thuế, ngày 7/9 vừa qua, Văn phòng Đăng ký liên bang Mỹ (Federal Register) đã công bố kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính lần thứ 19 (POR19) đối với cá tra phile đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ giai đoạn 1/8/2021 – 31/7/2022.
Theo đó, hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam là Vĩnh Hoàn và CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex) là bị đơn bắt buộc. Kết quả công bố, Vĩnh Hoàn có thuế là 0, Caseamex là 0,14 USD/kg.
Các doanh nghiệp khác cũng hưởng thuế 0,14 USD/kg là IDI, CTCP Thủy sản Cafatex, CTCP Thủy sản Lộc Kim Chi và CTCP Hùng Vương.
Mức thuế sơ bộ POR19 giảm so với kết quả cuối cùng của POR18 trước đó. Với kết quả của POR18 (tiếp nhận hồ sơ từ tháng 8/2020 – 7/2021), doanh nghiệp xuất khẩu cá tra không đủ điều kiện được hưởng mức thuế suất riêng lẻ, do vậy nhận mức thuế chung là 2,39 USD/kg.
Bên cạnh đó, từ ngày 7-22/8 vừa qua, Đoàn thanh tra của Cơ quan thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) đã xem xét, đánh giá tính tương đương của hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với cá thuộc bộ Siluriformes của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.
FSIS đã thanh tra 10 cơ sở chế biến, xuất khẩu trong tổng số 26 doanh nghiệp trong danh sách chế biến, xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ. Ngoài ra còn thanh tra 5 cơ sở nuôi cá tra cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến xuất khẩu vào Mỹ tại Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang, Đồng Tháp. 3 cơ quan thuộc NAFIQPM và Phòng kiểm nghiệm sinh học và hoá học của Trung tâm chất lượng nông lâm thuỷ sản vùng 6.
Kết quả kiểm tra sơ bộ được FSIS đánh giá cao và chỉ có lỗi kỹ thuật nhỏ ở một số ao nuôi, doanh nghiệp.
VASEP cho rằng, mùa lễ hội cuối năm đang đến, tồn kho giảm dần và kết quả tích cực sau đợt thanh tra của FSIS sẽ tạo tâm lý tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ các tháng cuối năm.
Xuất khẩu cá tra Việt sang Mỹ 10 năm qua như thế nào?
Theo VASEP, giai đoạn 2015 – 2016 (thời điểm sau 2 năm Việt Nam – Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2013), Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.
Kể từ năm 2019 đến nay, Mỹ luôn duy trì là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc & Hong Kong), chiếm tỷ trọng khoảng 22%.
VASEP cho rằng, việc Việt Nam – Mỹ nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất “Đối tác Chiến lược Toàn diện” mở ra kỳ vọng cho ngành hàng thủy sản nói chung và ngành cá tra nói riêng của Việt Nam có nhiều thành công hơn trên thị trường này.
Lê Hồng Nhung
Bình Luận