09-02-2222 . bởi Phạm Tâm

EU lại cảnh báo mì ăn liền của Acecook chứa 2-Chloroethanol

DNVN – Hệ thống thông báo an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh Châu Âu (EU) phát đi cảnh báo mới về mì ăn liền của Acecook chứa 2-Chloroethanol.

Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vừa có văn bản số 16/SPS-BNNVN gửi Vụ Khoa học và Công Nghệ (Bộ Công Thương) thông tin về thông báo của EU về sản phẩm mì ăn liền xuất khẩu của Việt Nam.
Theo đó, Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục nhận được từ Hệ thống thông báo an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU, số tham chiếu 2022.0428 đối với sản phẩm mì ăn liền nhãn hiệu “Đệ nhất mì gà”.
Nội dung của thông báo này cho biết: Quốc gia thông báo về thông tin sản phẩm là Cộng hòa Liên bang Đức; sản phẩm bị thông báo là mì ăn liền nhãn hiệu “Đệ nhất mì gà” do Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam (tên tiếng Anh “Acecook Vietnam Joint Stock Company”) sản xuất; địa chỉ: Lô số II-3, Đường số 11, cụm công nghiệp II, khu công nghiệp Tân Bình, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh.

EU lại cảnh báo mì ăn liền của Acecook chứa 2-Chloroethanol

Hệ thống thông báo an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU cảnh báo sản phẩm mì ăn liền nhãn hiệu “Đệ nhất mì gà” do Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam có mối nguy là chứa 2-Chloroethanol ở mức 1,6mg/kg.
Văn phòng SPS Việt Nam đã đề nghị Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo kiểm tra và yêu cầu Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam báo cáo theo quy định. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đề nghị Quý Cơ quan gửi văn bản thông báo kết quả xử lý về Văn phòng SPS Việt Nam trong quý I/2022 để tổng hợp.
Trước đó, Văn phòng SPS Việt Nam đã có văn bản gửi Phái đoàn EU tại Việt Nam cập nhật tình hình thực hiện các cam kết SPS của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU (EVFTA).
Văn phòng SPS Việt Nam đang tập trung phản hồi quy định mới của EU về việc tạm thời tăng tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm đối với quả thanh long của Việt Nam, tăng tần suất kiểm tra đối với các loại rau gia vị, đậu bắp và ớt; việc yêu cầu bổ sung chứng thư (health report) và test report với chỉ tiêu ethylene oxide đối với các sản phẩm thực phẩm ăn liền nhập khẩu vào EU.
Hai bên đang thống nhất giải pháp và tiến độ để EU giảm tần suất kiểm tra nông sản, thực phẩm của Việt Nam, đặc biệt là quả thanh long và thực phẩm ăn liền.

Hà Anh

Bình Luận