07-06-2121 . bởi Phạm Tâm

Gắn khoa học công nghệ với nông nghiệp hướng hữu cơ, bền vững

Cùng với đẩy mạnh sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ, Hòa Bình đang chuyển mình sang sản xuất nông nghiệp giá trị cao, an toàn, bền vững theo hướng hữu cơ.

Hình thành sản xuất hàng hóa, bền vững

Do thói quen sản xuất, trình độ canh tác, điều kiện địa hình… nên trước đây, phần lớn diện tích đất vườn của các hộ dân tại tỉnh Hòa Bình chỉ được phát triển dưới hình thức vườn tạp. Từ năm 2016, Hòa Bình đã ban hành nghị quyết về cải tạo vườn tạp.

Theo đó, mỗi địa phương căn cứ trên điều kiện sản xuất đặc thù để cải tạo, xây dựng thành vùng sản xuất hàng hóa bằng các hình thức phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Tập trung cải tạo vườn tạp để có sản phẩm đặc thù gắn với địa phương như các loại cây ăn quả: Bưởi đỏ, bưởi da xanh, nhãn, ổi, táo, mía tím…

Vườn nhãn được cấp mã số vùng trồng thuộc HTX nông nghiệp Sơn Thủy (Kim Bôi). Ảnh: Huy Bình.
Vườn nhãn được cấp mã số vùng trồng thuộc HTX nông nghiệp Sơn Thủy (Kim Bôi). Ảnh: Huy Bình.

Các xã vùng cao tập trung cải tạo vườn tạp, gắn với phát triển theo hướng hữu cơ, bền vững, với sản phẩm chủ yếu: Rau su su, quýt ngọt, cây dược liệu, rau an toàn… Các xã vùng sâu tập trung cải tạo vườn tạp với sản phẩm chủ yếu: Cây dổi, một số cây bản địa, cây dược liệu…

Trên cơ sở đó, những loại cây trồng bản địa dần được thay thế bằng giống cây trồng mới. Việc cải tạo vườn tạp đã giúp giá trị sản xuất tăng cao. Đã có hàng nghìn hộ gia đình chuyển đổi, cải tạo vườn tạp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả (nhãn, na, cây ăn quả có múi), rau, cây dược liệu…

Đến nay, toàn tỉnh có gần 450 ha diện tích sản xuất trồng trọt được chứng nhận đủ điều kiện an toan thực phẩm (ATTP), trong đó, hơn 166 ha được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Hơn 2.000 ha cây ăn quả có múi, 66,5 ha các cây trồng khác như chuối, nhãn, thanh long, nghệ đỏ được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất ATTP, chứng nhận VietGAP. Toàn tỉnh đã xác định được 14 khu vực trồng trọt tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học tại 7 huyện với diện tích 289,5 ha…

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng dưa lưới của anh Lê Xuân Hà, thôn Đồng Huống, xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình). Với tổng diện tích trang trại trên 34 ha, anh dành ra 2 ha đầu tư xây dựng 5 nhà màng công nghệ cao sản xuất dưa lưới Nhật Bản theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Mỗi năm, anh xuất ra thị trường từ 200 – 300 tấn dưa lưới đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm vào hệ thống các siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện ích. 

Mô hình dưa lưới công nghệ cao, gắn với sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ tại trang trại anh Lê Xuân Hà, thôn Đồng Huống, xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình). Ảnh: KC.
Mô hình dưa lưới công nghệ cao, gắn với sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ tại trang trại anh Lê Xuân Hà, thôn Đồng Huống, xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình). Ảnh: KC.

Anh Hà cho biết: Toàn bộ nhà màng trồng dưa lưới của anh được vận hành một cách tự động thông qua tủ điều khiển trung tâm và ứng dụng nhiều kỹ thuật chăm sóc hiện đại như: Sử dụng bạt trải sàn có màu trắng để phản xạ ánh sáng giúp cây quang hợp tốt hơn. Sử dụng máng cách ly, khay thu hồi nước hạn chế nấm, bệnh phát triển trong vườn. Công nghệ tưới nhỏ giọt có bù áp giúp cây phát triển đồng đều, hệ thống quạt giúp điều chỉnh nhiệt độ luôn duy trì ở mức 37°C độ ẩm nhỏ hơn 95%…

Nhờ áp dụng những kỹ thuật canh tác hiện đại, anh giảm thiểu được chi phí nhân công, phân bón, thuốc BVTV. Đồng thời, cây hấp thụ tốt hơn và đảm bảo đủ hàm lượng dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển.

Bên cạnh đó, trồng dưa lưới trong nhà màng còn giúp kiểm soát tốt sâu bệnh và những ảnh hưởng bất lợi từ thời tiết hay biến đổi khí hậu thất thường… giúp cho cây phát triển khỏe mạnh, năng suất cao, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV, cho ra sản phẩm đảm bảo an toàn.

Đến nay, Hòa Bình cũng đã xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam quả của huyện Cao Phong; bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể bưởi đỏ Tân Lạc. Hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao như: Vùng sản xuất cây có múi thuộc HTX Nông nghiệp thương mại Mường Động (huyện Kim Bôi) với diện tích 125 ha được sản xuất theo chuỗi giá trị khép; Vùng sản xuất nhãn an toàn theo hướng hữu cơ thuộc HTX Nông nghiệp Sơn Thủy (huyện Kim Bôi) với diện tích 134 ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, đã có 18,8 ha được cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc…

Lan tỏa sản xuất sạch trong chăn nuôi, thủy sản

Không chỉ trong trồng trọt, các điển hình về áp dụng tiến bộ trong chăn nuôi cũng ngày càng được nhân rộng tại nhiều địa phương ở tỉnh Hòa Bình.

Các mô hình nuôi cá sạch, bền vững với môi trường tại lòng hồ thủy điện Hòa Bình ngày càng phát triển. Ảnh: LB.
Các mô hình nuôi cá sạch, bền vững với môi trường tại lòng hồ thủy điện Hòa Bình ngày càng phát triển. Ảnh: LB.

Trang trại gà của anh Trần Tiến Bốn, thôn Kim Đức, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi, Hòa Bình) hiện đang nuôi 12.000 con, trong đó gà bố mẹ 10.000 con, gà hậu bị 2.000 con. Trước đây anh trồng sắn, rau màu nhưng không hiệu quả. Sau đó, anh mạnh dạn chuyển diện tích đất vườn sang chăn nuôi gà. Khởi điểm anh nuôi 2.000 con, khi có hiệu quả anh đầu tư mở rộng trang trại, tăng đàn nuôi và đầu tư xây dựng lò ấp trứng. Mỗi năm anh xuất ra thị trường 21 vạn con.

Anh Bốn chia sẻ: Trước đây, chuồng trại nuôi không được đầu tư bài bản nên gà hay mắc bệnh, chậm lớn, phân thải của gà xử lý không hết nên bốc mùi hôi khó chịu, ấp trứng bằng phương pháp thủ công nên tỷ lệ đậu không cao.

Tuy nhiên, từ khi anh áp dụng nuôi gà bằng đệm lót sinh học tình trạng mùi phân không còn, nền chuồng tơi xốp nên gà khỏe mạnh, tránh được nhiều bệnh như rệp, bọ chó, ho hen… Bên cạnh đó anh đầu tư hệ thống máy ấp trứng hoàn toàn tự động nên tỷ lệ trứng nở đạt 99%.

Ngoài ra, Hòa Bình hiện nay còn rất nhiều mô hình sản xuất thủy sản theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, cho hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi cá bỗng, cá trắm đen, cá tầm trên lòng hồ sông Đà; bảo tồn gen giống gà Lạc Thủy… 

Ông Đỗ Đức Trường, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình đánh giá: Các mô hình sản xuất nông nghiệp theo VietGAP, GlobalGAP, theo hướng hữu cơ đang ngày càng nở rộ tại Hòa Bình, không chỉ nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm, mà còn giúp bà con ngày càng thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, hài hòa với môi trường sinh thái…  

Nhờ áp dụng khoa học vào sản xuất, trang trại gà của anh Trần Tiến Bốn, thôn Kim Đức, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi, Hòa Bình) đã có điều kiện sản xuất an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: HA.
Nhờ áp dụng khoa học vào sản xuất, trang trại gà của anh Trần Tiến Bốn, thôn Kim Đức, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi, Hòa Bình) đã có điều kiện sản xuất an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: HA.

Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình sản xuất sạch, an toàn, theo hướng hữu cơ vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn vốn của người dân không đủ để đầu tư, cộng với trình độ canh tác còn thấp, khi chuyển giao công nghệ gặp phải sự nghi hoặc của người dân, nên công tác quản lý, mở rộng gặp rất nhiều khó khăn…

Ngoài ra, thói quen sản xuất nông hộ, tiêu thụ nông sản chạy theo giá thị trường cũng là một rào cản lớn. Mặc dù, có các đơn vị ký kết hợp đồng bao tiêu lâu dài nhưng khi giá cả thị trường biến động, người dân lại chủ động phá vỡ mối liên kết đó, làm cho nhiều doanh nghiệp gặp khó trong công tác xây dựng vùng nguyên liệu.

Để khắc phục tình trạng này, theo ông Trường cần sự vào cuộc thực sự, quyết liệt của chính quyền ở các địa phương đóng vai trò then chốt. Bởi lẽ, chính quyền địa phương gần người dân nhất, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cũng như quản lý, thậm chí là các chế tài để duy trì các mối liên kết sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều so với các cơ quan chuyên môn cấp trên khi về địa phương xây dựng vùng sản xuất.

“Trong thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, theo chuỗi giá trị. Chú trọng phát huy vai trò doanh nghiệp và các HTX, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển ngành nông nghiệp với chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững”.

Trung Quân – Huy Bình

Bình Luận