Tại sao phải sửa ‘nước giải khát’ thành ‘đồ uống có đường’?
Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cho biết họ đang lo lắng về một số khái niệm, cụm từ trong dự thảo (lần 2) Thông tư hướng dẫn về nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm của Bộ Y tế.
Theo các doanh nghiệp, nếu áp dụng sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.
“Đồ uống có đường” là gì?
Ngày 15-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Hồng Minh – chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) – nói rằng ở dự thảo lần 1, hiệp hội đã góp ý và tiếp tục góp ý.
Bà Minh cho rằng dự thảo lần này đã bổ sung một số nội dung mới có phạm vi điều chỉnh rất lớn nhưng lại không hợp lý, không có trong các bản dự thảo trước đó và chưa được lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.
“Tại khoản 2 điều 2 của dự thảo, phải thay cụm từ “cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ” thành “cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ” để thống nhất với từ ngữ được sử dụng tại điều 22 Luật An toàn thực phẩm. Cùng với đó, cần bổ sung các sản phẩm có diện tích bao gói <25cm2 được miễn ghi nhãn dinh dưỡng nếu nhãn phụ hoặc bao bì ngoài của các sản phẩm này đã ghi nhãn dinh dưỡng”, bà Minh nói.
Bà Minh lý giải các sản phẩm như hộp sữa chua hay thanh kẹo cao su đều có diện tích rất nhỏ. Nếu phải in thêm các thông tin ghi nhãn dinh dưỡng mà vẫn giữ nguyên mức 10cm2 thì rõ ràng là các nhãn nhỏ sẽ không có đủ chỗ để ghi.
Về khái niệm “đồ uống có đường”, bà Minh cho rằng đây là vấn đề mà hàng trăm doanh nghiệp đồ uống, thực phẩm qua hiệp hội ngành hàng đã lên tiếng.
“Nay cần đề nghị bỏ toàn bộ nội dung định nghĩa quy định về “đồ uống có đường” vì rất bất hợp lý, không phù hợp với quốc tế, không có trong các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, không có cơ sở khoa học và không phù hợp với thực tiễn”, bà Minh nhấn mạnh.
Phân tích thêm, bà Minh cho hay theo CODEX (Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế) không có nhóm “đồ uống có đường” mà chỉ có nhóm “Beverages” (nước giải khát, ghi rõ loại trừ sản phẩm sữa)…
Rồi các văn bản pháp lý của Việt Nam hiện tại cũng chỉ có “đồ uống không cồn”, không có “đồ uống có đường”. Ngoài ra cũng không thấy bất cứ tài liệu khoa học nào khuyên sử dụng từ “đồ uống có đường” trong phân loại thực phẩm…
Khó thực thi và không có cơ sở
Tương tự, ông Hoàng Vĩnh Long – tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam – bày tỏ mong muốn bỏ các điểm mới sửa đổi nhưng bất hợp lý.
Ông Long nêu ví dụ: “Dự thảo lần này đã sửa quy định “nước giải khát” thành “đồ uống có đường, thực phẩm có thành phần carbohydrat”… sẽ rất tốn kém cho các doanh nghiệp, khó thực thi và không có cơ sở, cũng như chưa đánh giá tác động và lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp.
Trong khi đó, đại diện Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) đề nghị giữ nguyên giá trị dinh dưỡng tham chiếu của protein là 50g (như CODEX đưa ra) và điều chỉnh giá trị dinh dưỡng tham chiếu của đường tổng số từ 50g lên 90g.
“Đề nghị bổ sung thêm cho phụ lục các nội dung để không gây khó khăn không cần thiết cho sản xuất kinh doanh như việc ghi giá trị dinh dưỡng tham khảo. Các nhãn sản phẩm hiện hành đang ghi nhãn dinh dưỡng bằng các từ có ý nghĩa tương đương các chữ trong mẫu tham khảo cũng được chấp nhận. Ví dụ: đạm, protein (tương đương chất đạm); thành phần dinh dưỡng, phân tích thành phần (tương đương thông tin dinh dưỡng)…”, đại diện hội này dẫn ra.
L.ANH
Bình Luận