Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam
Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu các loại hàng hóa nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, may mặc… trong khi đây đều là những thế mạnh của Việt Nam.
Ngày 21/6, hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đã được tổ chức tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Hội nghị nằm trong chuỗi các hoạt động giao lưu, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, hội nghị do Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Hà Nội và Trung tâm ASEAN-Nhật Bản phối hợp tổ chức với sự tham dự của đại diện của hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản nhấn mạnh, trong những năm gần đây, Việt Nam và Nhật Bản là những đối tác thương mại quan trọng của nhau. Hai nước có cơ cấu xuất nhập khẩu không cạnh tranh trực tiếp mà mang tính bổ sung cho nhau. Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu các loại hàng hóa nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, may mặc… trong khi đây đều là những thế mạnh của Việt Nam.
Ngoài ra, hai nước cùng là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do nên có nhiều cơ hội mở rộng hợp tác thương mại hơn nữa, đặc biệt là tăng cường xuất khẩu và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới.
Ông Nakamura Makoto, chuyên gia kinh tế của Hiệp hội xúc tiến thương mại, đầu tư và kinh doanh Nhật Bản (MIPRO), thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), cho biết tất cả các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Nhật Bản đều phải đáp ứng các quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc nguyên liệu và quy trình sản xuất. Điều này đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp hai nước để có thể đưa các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam tiếp cận đến người tiêu dùng Nhật Bản.
Trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp Việt Nam đã mang tới nhiều sản phẩm mẫu như may mặc, thực phẩm chế biến sẵn, hoa quả, hàng tiêu dùng… để các doanh nghiệp Nhật Bản trực tiếp trải nghiệm, từ đó tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.
Không chỉ là các sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm mà các doanh nghiệp còn chú ý đến các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ví dụ, công ty cổ phần xuất khẩu Eco Straws đã giới thiệu sản phẩm ống hút bằng gạo với 100% nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên và kỳ vọng sẽ được đông đảo người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của mối quan hệ chính trị tốt đẹp, có sự tin cậy cao, quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước không ngừng phát triển mạnh mẽ, Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước tài trợ vốn ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư thứ 3, đối tác du lịch thứ 3, và cũng là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Ngày càng nhiều hàng hóa của Việt Nam có mặt tại thị trường Nhật Bản và được người dân nước này ưa chuộng.
Bên cạnh việc thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng Nhật Bản như hàng thực phẩm chế biến sẵn, tiết kiệm thời gian và hợp vệ sinh. Hoặc đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sẽ hướng tới cung cấp các sản phẩm “bán thành phẩm” để người Nhật có thể sử dụng để tự thiết kế sản phẩm theo sở thích của mình.
Hội nghị là cơ hội để doanh nghiệp hai nước tìm kiếm và đẩy mạnh các cơ hội hợp tác kinh doanh, đặc biệt là đưa thêm các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, trên cơ sở tận dụng Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA)./.
Phạm Tuân – Đức Thịnh
Bình Luận