19-09-2323 . bởi Phạm Tâm

Sau hiệu ứng nhà kính là nguy cơ bầu ướt

Khí quyển Trái Đất đang nóng lên, nhanh chóng hơn dự báo, tạo nên các sóng nhiệt trên không và dòng nhiệt dưới biển. Nước trong các đại dương bốc hơi mạnh hơn, không khí ẩm ướt hơn, và những trận mưa bão dữ dội cũng nhiều hơn. Từ đây một hiện tượng quan trọng khác diễn ra dẫn đến nhiều bệnh tật và chết chóc hơn các thảm họa thiên nhiên khác, đó là tình trạng bầu ướt (wet bulb), được hình dung như một thứ nồi hầm mà trong đó nhiệt độ và độ ẩm không khí cùng đột ngột tăng cao đến mức cơ thể con người không thể chịu đựng nổi.

Tổ chức hợp tác nghiên cứu khí hậu World Weather Attribution cho rằng tình trạng bầu ướt sẽ không thể xảy ra nếu không có sự biến đổi khí hậu.

Trên thực tế, trong tất cả các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ là nguy hiểm nhất. Nó giết chết nhiều người hơn cả mưa bão, lốc xoáy và lũ lụt cộng lại. Cơ thể con người có cơ chế tự làm mát bằng đổ mồ hôi, nhưng trong tình trạng bầu ướt thì độ ẩm bên ngoài tăng cao và khả năng hạ nhiệt bằng đổ mồ hôi giảm dần cho đến khi mất hết năng lực vì độ ẩm trên da và ngoài không khí gần mức bão hòa. Lúc bấy giờ, việc hạ nhiệt trên cơ thể con người chỉ còn nhờ vào máy lạnh, quạt gió và làn gió thiên nhiên giúp mang mồ hôi bay khỏi làn da.

Hiện tượng bầu ướt được phát hiện từ các năm 1940 khi hàng trăm quân nhân Hoa Kỳ tử vong trong khi tập luyện dưới trời nóng bức, nhưng mãi đến năm 2010 các nhà khoa học mới xác định được mức nhiệt con người không thể chịu đựng là 35 độ C khi độ ẩm không khí lý thuyết đạt mức tuyệt đối 100%.

Ở nơi có độ ẩm không khí lên đến gần 100% thì nhiệt độ bầu ướt có khả năng giết chết con người là 35 độ C, nhưng ở nơi có độ ẩm không khí khoảng 50% thì nhiệt độ bầu ướt nguy hiểm được nâng lên đến 45 độ C. Đợt nắng nóng ở Việt Nam và Đông Nam Á trong cuối tháng 4 qua suốt tháng 5-2023 với nền nhiệt trên 40 độ C và độ ẩm dao động trên dưới 80-90% đã cho cư dân trong khu vực nhiệt đới nóng ẩm này một trải nghiệm nguy hiểm về sức khỏe cùng sự suy giảm năng suất lao động.

Chúng ta chưa có thống kê về những cái chết liên quan đến hiện tượng bầu ướt – nghĩa là hiện tượng gây nên việc tăng đột biến nhiệt độ trong môi trường ẩm ướt ở Việt Nam. Nhưng những con số tử vong từ các nước, các khu vực khác thực sự kinh khủng. Và điều đáng nói là ở đó mức nhiệt diễn ra bầu ướt còn thấp hơn cả mức lý thuyết 35 độ C.

Ngưỡng chung trong thế giới thực đối với stress nhiệt ở con người thấp hơn nhiều, ngay cả đối với người trưởng thành trẻ và khỏe mạnh. Ngưỡng căng thẳng do nhiệt dự kiến sẽ thấp hơn đối với những người lao động ngoài trời cần phải gắng sức hoặc đối với người già cùng trẻ em.

Khoảng 30.000 người đã thiệt mạng tại vùng lạnh Âu châu trong năm 2003 và trên dưới 55.000 tại Nga năm 2010 liên quan đến nhiệt độ bầu ướt, lúc bấy giờ nhiệt kế chưa vượt qua 28 độ C. Nhiệt độ mùa hè ở miền bắc Ấn Độ thường vượt quá 40 độ C và tỷ lệ tử vong do hiện tượng bầu ướt tại đó cũng tăng đột biến đến 55% trong các giai đoạn 2000-2004 và 2017-2021.

Theo Giáo sư Lewis Halsey, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Roehampton ở London (Anh), phản ứng của mỗi người do sốc nhiệt trong môi trường bầu ướt sẽ khác nhau đáng kể tùy theo độ tuổi, giới tính và tình trạng bệnh lý hiện có. Về lâu dài, con người có khả năng thích ứng với nền nhiệt tăng cao, nhưng tình trạng bầu ướt nay xảy ra đột ngột, lẽ dĩ nhiên cũng trở nên phổ biến hơn trên toàn thế giới.

Việt Nam là xứ nhiệt đới có độ ẩm không khí khá cao, và hiện tượng bầu ướt hay cận bầu ướt sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong các năm tới.

Khi nhiệt độ chung quanh đạt đến nhiệt độ bên trong cơ thể thì chúng ta bắt đầu say nắng, và tim phải đập rất nhanh nhằm dẫn máu ra phía da để được làm mát bằng đổ mồ hôi. Nhưng khả năng tự điều chỉnh bằng đổ mồ hôi rất có giới hạn trong môi trường bầu ướt do cả trong và ngoài đều ướt, dẫn đến suy nội tạng do sốc tăng nhiệt, suy tim do phải làm việc quá mức và suy thận do mất nước, cả 3 nguyên nhân đều có thể dẫn tới tử vong.

Việc chuẩn bị đối phó với hiện tượng bầu ướt rất quan trọng, không những về mặt y tế con người mà còn là sức khỏe của toàn nền kinh tế.

Anh Vũ

Bình Luận