27-07-2121 . bởi Phạm Tâm

Sức khỏe người dân không phải trò đùa

Dư luận yêu cầu Bộ Y tế phải làm rõ động cơ, mục đích của những người công bố các sản phẩm theo kiểu ‘có lợi cho doanh nghiệp nhưng có hại cho người dân’.

Trước hết phải khẳng định, trong suốt quá trình chống chọi với dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã đánh giá rất cao và ghi nhận nỗ lực tuyệt vời của Bộ Y tế.

Đặc biệt, hình ảnh xả thân của đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu, những người đã cống hiến hơn 100% sức lực đến mức kiệt quệ đã gây xúc động mạnh mẽ trong nhân dân. Xã hội chắc chắn vô cùng biết ơn vì điều đó.

Thế nhưng, việc Bộ Y tế ban hành công văn 5944/BYT-YDCT ngày 24/7/2021 kèm theo danh mục các sản phẩm cụ thể đã gây ra những bức xúc trong xã hội và đặt ra những nghi vấn rất không hay rằng phải chăng Bộ Y tế đã ra một văn bản “có lợi cho doanh nghiệp nhưng có hại cho người dân”. 

Cụ thể, Công văn 5944/BYT-YDCT của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu gửi sở y tế các tỉnh, thành phố; bệnh viện y học cổ truyền bộ, ngành; bệnh viện y học cổ truyền các tỉnh, thành phố; các cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền…

Kèm theo công văn của Bộ Y tế là công bố là danh mục 12 loại thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 gồm: Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên, Viên nang Kovir, Bạch địa căn, Siro Viêm họng, Siro Dưỡng âm bổ phế, Siro Ngân kiều, Hạnh tô, Vệ khí khang, Hoạt huyết Nhất Nhất, Viên nang Imboot, Xuyên tâm liên, Viên nang Nasagast – KG.

Bộ Y tế đề nghị, các đơn vị nêu trên căn cứ vào thuốc cổ truyền, các sản phẩm chế biến, bào chế từ dược liệu ban hành kèm công văn này để tham khảo lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Từ đó hỗ trợ cho các người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2, đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu và đối tượng cách ly (F1) phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tổ chức bào chế, sản xuất thuốc cổ truyền, các sản phẩm từ dược liệu (nếu đáp ứng các điều kiện chế biến, bào chế theo quy định) để cung cấp cho các người bệnh nhiễm vi rút SARS-CoV-2, đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu và đối tượng cách ly (F1) phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Việc ban hành văn bản kèm theo danh mục 12 sản phẩm và sau đó công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông rõ ràng đã khiến dư luận, nhân dân hiểu nhầm rằng Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên sử dụng các sản phẩm này để hỗ trợ điều trị Covid-19.

Đó là chưa kể đến việc 12 sản phẩm chưa kiểm nghiệm lâm sàng, nếu người dân không tìm hiểu cặn kẽ rất dễ bị lái theo tinh thần văn bản của Bộ Y tế, vừa mất tiền vừa có thể tổn hại sức khỏe.

Trả lời báo chí ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế cho rằng “đây là thuốc do doanh nghiệp tài trợ, hỗ trợ, không phải để đấu thầu, không phải để người bệnh nhao nhao đi mua”.

Thế nhưng, ngay trong công văn của Bộ Y tế đã đề nghị các sở y tế tỉnh thành, bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền cả nước “tham khảo, lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho cơ sở khám chữa bệnh để hỗ trợ điều trị cho người bệnh COVID-19, đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu và F1 tại địa phương”.

Mập mờ ở chỗ, các quy định hiện hành nếu rõ, đối với nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe không được kê đơn, tuy nhiên việc công văn của Bộ Y tế ghi rõ tên sản phẩm để “tham khảo lựa chọn đấu thầu, mua sắm” rõ ràng đã “cài” các yếu tố không khác gì chỉ định thầu, gây hiểu nhầm trong nhân dân nhưng lại có lợi cho doanh nghiệp bán sản phẩm.

Đơn cử như sản phẩm thuốc hoạt huyết (phòng và điều trị thiểu năng tuần hoàn não, mất thăng bằng, đau mỏi vai gáy, tê bì chân tay…) đã được đưa vào danh mục 12 thuốc nêu trên, trong khi Covid-19 là bệnh do SARS-CoV-2, lây qua đường hô hấp, giải thích điều này ông Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền cho rằng: “Sản phẩm hoạt huyết không phải là thuốc điều trị Covid-19 mà là sản phẩm trong danh sách đơn vị tài trợ, nên chúng tôi hướng dẫn sử dụng”.

Rõ ràng, về bản chất 12 sản phẩm nêu trên chỉ đơn thuần là những sản phẩm doanh nghiệp tài trợ chứ không thể khẳng định có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19. Vậy thì động cơ, mục đích của Bộ Y tế khi ban hành danh mục kèm theo các sản phẩm này là gì?

Rất may, trước sự phản ứng của dư luận, ngày 26/7 Bộ Y tế có văn bản thu hồi công văn số 5944/BYT-YDCT công bố 12 loại thuốc y học cổ truyền phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19, tuy nhiên, dư luận cho rằng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cần có chỉ đạo kiểm tra, làm rõ, xử lý động cơ của những người công bố thông tin về các sản phẩm của các doanh nghiệp cụ thể chưa qua kiểm chứng lâm sàng theo kiểu “có lợi cho doanh nghiệp nhưng có hại cho người dân”.

Hoàng Anh

Bình Luận