12-09-2323 . bởi Phạm Tâm

Giảm rác thải nhựa: Tái chế thôi không đủ

Năm 2021, Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF) đã xác nhận rằng những thiệt hại do nhựa gây ra đối với xã hội, môi trường và kinh tế cao “gấp mười lần” so với chi phí sản xuất ra nhựa.

Sử dụng tràn lan sản phẩm nhựa đang gây ra ô nhiễm rác thải nhựa trên toàn cầu.

Cảnh báo về hệ quả của việc sử dụng tràn lan sản phẩm nhựa và sự bế tắc trong việc tái chế nhựa, nhật báo Le Monde nhận định dường như không có gì có thể làm chậm sự tăng trưởng của thị trường vật liệu nhựa, dự kiến sẽ tăng gấp ba vào năm 2060. Thêm vào đó, việc tái chế cũng đang gặp khó khăn và không có sản phẩm thay thế nào đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của thị trường. Tình trạng này đang làm dấy lên lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài trong tương lai.

Năm 2022, doanh thu thị trường nhựa của Pháp ước tính dao động từ 416 tỷ đến 551 tỷ euro (445,74 – 590,40 tỷ USD), tùy theo nguồn thông tin khác nhau, trong đó có 43 tỷ euro liên quan đến hoạt động tái chế. Tại Pháp, Cơ quan Chuyển đổi Sinh thái (ADEME) đánh giá thị trường thu gom nhựa để tái chế có giá trị khoảng 200 triệu euro và thị trường nhựa phái sinh có giá trị khoảng 500 triệu euro. Đây là một cơ hội kinh doanh lớn đối với một số người, nhưng lại là một thảm họa đối với người khác.

Gọi là thảm họa, bởi vì năm 2021, Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF) đã xác nhận rằng những thiệt hại do nhựa gây ra đối với xã hội, môi trường và kinh tế cao “gấp mười lần” so với chi phí sản xuất ra nhựa. WWF dự đoán: “Nếu cộng đồng quốc tế không nỗ lực hạn chế sản xuất, cái giá phải trả cho ô nhiễm nhựa sẽ sớm lên tới 7.100 tỷ USD mỗi năm, tương đương với 6.520 tỷ euro, lớn hơn cả tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức, Australia và Canada cộng lại”.

Hành tinh của chúng ta đã bị “nhựa hóa” trên cạn, dưới biển và thậm chí trong các sinh vật sống. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, được công bố vào năm 2017 trên tạp chí Science Advances, từ năm 1950 con người đã sản xuất 8,3 tỷ tấn nhựa. Hơn ba phần tư trong số đó cuối cùng được đưa vào các bãi chôn lấp, dù được phép hay không được cấp phép. Ngày nay, các bãi biển đang tràn ngập các hạt nhựa chứa đầy chất độc hại, có kích thước siêu nhỏ, thường được sử dụng làm nguyên liệu chế tạo hầu hết các sản phẩm nhựa. Cùng với đó, những hạt vi nhựa – các hạt có kích thước thậm chí chỉ vài micromet – được thực vật và sinh vật phù du hấp thụ, sau đó được động vật trên cạn và cá ăn. Toàn bộ chuỗi thức ăn bị ô nhiễm. Con người ăn nhựa, hít nhựa vào người và thậm chí tiếp xúc với nhựa qua da, đặc biệt là nhựa trong quần áo polymer hoặc nhựa thoát ra từ lốp xe ô tô do ma sát của chúng trên đường.
Tái chế là một mục tiêu “ảo tưởng”
Để chống lại vấn đề ô nhiễm nhựa, Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) đã đưa ra mục tiêu sẽ thông qua một hiệp ước toàn cầu chống ô nhiễm nhựa trước cuối năm 2024. Để đạt được mục tiêu này, một loạt phiên đàm phán sẽ diễn ra vào mùa xuân tới tại Paris (Pháp). Mục tiêu của hiệp ước là duy trì sản xuất nhựa ở mức “bền vững”, thúc đẩy nền kinh tế tái sử dụng nhựa “bảo vệ môi trường và sức khỏe con người”, đảm bảo việc thu gom, quản lý và tái chế “hiệu quả” các loại rác thải nhựa.

Tuy nhiên, chỉ nỗ lực cải thiện các hoạt động tái chế là không đủ để giải quyết vấn đề. Năm 2019, theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chỉ có 15% rác thải nhựa được thu gom trên toàn cầu và 9% được tái chế. Tại Pháp, trong tổng số 6,45 triệu tấn nhựa tiêu thụ vào năm 2020, hơn một nửa (3,76 triệu tấn) đã trở thành rác thải. Trong số rác thải này, chỉ có 18,3% được tái chế trong toàn nước Pháp. Thậm chí, với “hơn 36% thất thoát” trong quá trình tái chế, chỉ có 440,000 tấn nguyên liệu tái sử dụng được sản xuất ra. Điều này đồng nghĩa với việc chưa đến 7% khối lượng ban đầu được tái chế để đưa trở lại thị trường.

Bà Nathalie Gontard, Giám đốc Viện Nghiên cứu về Nông nghiệp, Thực phẩm và Môi trường Pháp, cho rằng : “Việc tái chế chỉ là ảo tưởng”. Theo bà, công chúng cần thực sự cảm nhận và thấu hiểu thông điệp cần phải giảm đến mức tối thiểu sự tiêu thụ nhựa, thay vì nỗ lực sử dụng nhựa tái chế.

Nói thì dễ, nhưng làm mới khó, vì hiện chưa có vật liệu nào có thể thay thế nhựa. Luc Averous, giáo sư tại Viện Hóa học, Polymer và Vật liệu châu Âu ở Strasbourg, nhấn mạnh : “Mặc dù luôn bị chỉ trích, nhưng trong nhiều trường hợp, nhựa là vật liệu không thể thay thế được. Trong ngành xây dựng, nó giúp giảm hóa đơn năng lượng khi được sử dụng làm vật liệu cách nhiệt và đối với các sản phẩm như cửa sổ và cửa ra vào, nó có giá thấp chỉ bằng một nửa so với nhôm”. So với kim loại, sản xuất nhựa diễn ra ở nhiệt độ thấp hơn nhiều, khoảng 200°C, do đó gây ra ít khí CO2 hơn.

Vị chuyên gia này bổ sung thêm: ‘‘Trong lĩnh vực đóng gói, giấy chỉ có thể thay thế nhựa nếu chúng ta thêm vào nó các polymer để ngăn nước thấm từ bên ngoài và bên trong. Trong lĩnh vực y tế, nhựa rất cần thiết để sản xuất các vật tư y tế sử dụng một lần. Thậm chí hiện nay, chỉ khâu, mô cấy ghép, keo phẫu thuật đều được sản xuất từ polymer’’, vị chuyên gia bổ sung thêm.

Thu Hà

Bình Luận