11-06-2424 . bởi Phạm Tâm

‘Tăng năng suất nhờ bắt nhịp ‘chuyển đổi kép’

(VietQ.vn) – Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh được xác định là hai chuyển đổi quan trọng nhất để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc vào năm 2045.

Thành công từ một số quốc gia điển hình

Hiện nay, biến đổi khí hậu và suy giảm nguồn tài nguyên môi trường đã gây nhiều trở ngại cho doanh nghiệp tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Song, điều này đã tạo ra động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mang tính bền vững.

Cùng với xu thế phát triển đó, xu hướng kết hợp “chuyển đổi số” với “chuyển đổi xanh” hay còn gọi là “chuyển đổi kép” trở thành yêu cầu cấp bách đối với doanh nghiệp nhằm hướng đến mục tiêu vừa phát triển kinh doanh, vừa đảm bảo trách nhiệm xã hội.

Bà Trịnh Thị Hương – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo bà Trịnh Thị Hương – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xu hướng chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh trở nên ngày càng quan trọng với các sáng kiến xoay quanh 3 trụ cột chính: Tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; Tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; Giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính.

Bà Hương đưa ra một số điển hình tại các quốc gia phát triển đã thành công trong thực hiện chuyển đổi kép. Ví dụ như tại Đức, quốc gia này đã đóng góp tích cực vào nỗ lực về chuyển đổi kép trên toàn thế giới thông qua việc cung cấp kiến thức và nguồn lực thiết yếu cho các nước đang phát triển trong nỗ lực chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Thành công trở thành nền kinh tế giảm thiểu carbon của Đức được thực hiện thông qua tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.

Tại Singapore, quốc gia này đã ứng dụng công nghệ số và dữ liệu để thúc đẩy mục tiêu bền vững đồng thời áp dụng tư duy bền vững vào phát triển, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu và hạ tầng công nghệ thông tin, tiêu biểu như: Ứng dụng các giải pháp công nghệ số như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và phân tích dữ liệu trong lĩnh vực quản lý môi trường xây dựng, vận hành tòa nhà; Tích cực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm các giải pháp xanh hóa trung tâm dữ liệu (Data centre).

Tại Hàn Quốc, quốc gia này là một trong những nước đầu tiên coi tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển quốc gia và công bố cam kết xanh hóa các lĩnh vực công nghệ thông tin từ đầu những năm 2000.

Doanh nghiệp tăng năng suất, thu về nhiều lợi ích

Bắt nhịp xu thế thời đại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động “chuyển đổi kép”, bước đầu hưởng những “trái ngọt”. Tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng cho biết, chuyển đổi số là phương tiện để hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Công nghệ số giúp doanh nghiệp sản xuất tiết kiệm năng lượng hơn, tạo ra sản phẩm cho tiêu dùng xanh, giảm phát thải ra môi trường nên cuộc chuyển đổi kép là bạn đồng hành của chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để phát triển bền vững.

“Sản xuất thông minh giúp Rạng Đông giảm chi phí sản xuất trong điều kiện giá vật tư tăng, lãi vay tăng. Năng suất lao động đã tăng 30% với sản phẩm LED (5,5 triệu SP/ tháng lên 7,5 triệu SP/ tháng) và tăng 37% với sản phẩm Phích (1,4 triệu SP/ tháng lên 1,9 triệu SP/ tháng)”, ông Thăng nói.

Robot LGV hiện đại giúp giảm 62% khí thải phát ra so với xe nâng truyền thống

Khi được hỏi về vấn đề phát triển bền vững, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành Nghiên cứu và Phát triển (R&D) – Ban chỉ đạo dự án Net Zero của Vinamilk chia sẻ: “Net Zero là trách nhiệm và cả quyền lợi của từng cá nhân, doanh nghiệp, đi từ nhận thức về tương lai xanh và bền vững hơn”.

Ông Khánh lấy dẫn chứng khi thực hiện dự án phát triển bền vững, cũng như bất cứ dự án nào khác đều phải tính chi phí đầu tư và tỷ suất lợi nhuận, nhưng theo kinh nghiệm của Vinamilk đã bắt đầu từ hơn 10 năm trước, nếu đầu tư từ sớm, chi phí sẽ thấp hơn và lợi ích thu lại lớn hơn rất nhiều.

Trong đó, Vinamilk đầu tư các công nghệ giảm thải, thân thiện với môi trường, có thể kể đến phần mềm quản lý vận hành để tăng hiệu suất, tối ưu năng lượng cho máy móc thiết bị, sử dụng robot LGV thay thế xe nâng cũ giúp giảm tới 62% khí thải phát ra, hay hệ thống thu hồi nhiệt giúp thu hồi tới 92% lượng nhiệt dư thừa và tái sử dụng giúp tiết kiệm điện. Doanh nghiệp này ước tính khoản tiền từ việc tiết kiệm tài nguyên ở hiện tại và tương lai sẽ mang đến lợi ích cao hơn chi phí đầu tư ban đầu, đặc biệt khi giá của nguyên/nhiên liệu ngày càng đắt đỏ.

Các chuyên gia đánh giá, chuyển đổi số được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh được xác định là hai chuyển đổi quan trọng nhất để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc vào năm 2045.

Hoàng Bách Nguồn: https://vietq.vn/tang-nang-suat-nho-bat-nhip-chuyen-doi-kep-so-va-xanh-d222195.html

Bình Luận