22-11-2121 . bởi Phạm Tâm

Thịt “chay” có lắm điều hay

Trừ loại thịt chay “giả mặn”, các loại thịt “chay”, “không động vật” như thịt thực vật, thịt nuôi cấy, và thịt tổng hợp đúng là những loại thịt theo ý nghĩa khoa học, dinh dưỡng, và hiện đại.

Nhờ được sản xuất với công nghệ khoa học tiên tiến, các loại thịt chay thường được chủ động xử lý để có giá trị dinh dưỡng cao, thích hợp và tốt hơn cho con người: (1) Có thể gia thêm ((fortifying) những chất dinh dưỡng (axit amin, vitamin, khoáng chất) vốn thiếu ở các nguồn thứa ăn thực vật như lysin, methionine, tryptophan, vitatmin B12, vitamin D…; (2) Loại bỏ những thành phần nguy hiểm trong thịt động vật, như chất béo, cholesterol…; (3) Vì các loại thịt chay này được nuôi cấy hay tổng hợp trong môi trường vô trùng nên không bị ô nhiễm kháng sinh, thuốc tăng trọng, thuốc trừ sâu như ở thịt động vật.

Theo Tổ chức Lương nông Liên Hợp Quốc, nhu cầu thịt đang tăng nhanh, đến năm 2050, khi dân số thế giới vượt qua 9 tỷ thì nhu cầu thịt dự kiến sẽ tăng thêm hơn 70% mức hiện nay. Con người đã sử dụng phần lớn đất nông nghiệp để chăn nuôi; và nhu cầu cấp nước cũng tăng tỷ lệ thuận việc nuôi động vật, để sản xuất 1 cái hamburger 150 gam cần gần 6 khối nước. Do đó, rất khó để tăng sản lượng thịt lên 70% qua chăn nuôi. Chúng ta buộc phải giảm tiêu thụ thịt, hoặc tìm một cách hiệu quả hơn để sản xuất nó. và thịt nuôi cấy và thịt tổng hợp là cứu cánh trong tương lai.

Các nhà khoa học cũng tính ra rằng, sản xuất thịt nuôi cấy sẽ sử dụng đất ít hơn 99% và nước ít hơn 96%. Theo các nhà khoa học Đại học Maastricht, Hà Lan, các tế bào từ một con bò có thể tạo ra 175 triệu pound thịt, trong khi cùng sản lượng này, phương pháp chăn nuôi truyền thống sẽ cần đến 440.000 con bò. Với hiệu quả cao như thế, thịt nuôi cấy là phương sách, cứu cánh, cung cấp đủ thịt cho con người trong tương lai.

Đôi điều bàn luận

Thịt chay “giả mặn” bản chất không phải là thịt đúng nghĩa. Các vị cao tăng cho rằng ăn các món chay giả mặn là ngược với giáo lý “tu là tự tâm”. Đại đức Thích Nhật Từ, Thành hội Phật giáo TP HCM cho rằng: Ăn chay giả mặn, mầm mống sát sinh vẫn thầm lặng được xúc tác, tưới tẩm và nuôi dưỡng chẳng khác với ăn những động vật thật sự.

Ngoài ý nghĩa là “chay”, “không sát sinh”, thịt thực vật, thịt nuôi cấy, và tổng hợp cũng góp phần rất lớn trong việc bảo vệ môi trường sống: (1) Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UN Enviromental Program), Tổ chức Lương Nông quốc tế (FAO), và  Liên minh các nhà khoa học (Union of Concerned Scientists), đều nhận định việc dùng thịt “thực vật” góp phần giảm sức ép lên sinh thái học như giảm tiêu tốn năng lượng, giảm khí thải hiệu ứng nhà kính…Giáo sư Patrick Brown, Đại học Stanford, nói: “Chúng tôi tin rằng các loại thịt “thực vật” sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết một trong những thách thức cấp bách nhất của hành tinh: nuôi dưỡng một dân số toàn cầu ngày càng tăng trong khi những tài nguyên quý giá của trái đất ngày càng teo nhỏ bớt”; (2) Theo tính toán của các chuyên gia Liên Hợp Quốc, việc chăn nuôi gia súc truyền thống tốn kém rất nhiều tài nguyên, đất đai, nguồn nước, nhiên liệu củi than, hóa thạch, nên sẽ làm cạn kiệt tài nguyên môi trường. Chăn nuôi truyền thống cũng gây phát thải rất nhiều khí nhà kính gây biến đổi khí hậu. Do đó, WHO nhận định việc triển khai nền “nông nghiệp tế bào”, thịt nuôi cấy nhân tạo, sẽ có tác động rất tích cực và vô cùng to lớn để cải thiện môi trường sống của con người trên trái đất vốn đang ô nhiễm trầm trọng.

‘Nông nghiệp tế bào’ còn giúp phát triển nhiều loại thịt nhân tạo khác nhau phù hợp với tình trạng sức khỏe, căn bệnh và thậm chí tạo ra thịt của những con vật quý hiếm, đã tuyệt chủng để thưởng thức “cho biết” mùi vị thế nào. 

Dù được nhóm bảo vệ quyền động vật hoan nghênh: tránh giết mổ, tàn sát súc vật nuôi…, một số người ăn chay, đặc biệt nhóm ăn chay tuyệt đối, vẫn chống đối vì cho là đây là loại thịt phát triển từ nuôi cấy bắp cơ con vật nên vô hình trung dùng các món ăn có thịt nuôi cấy tổng hợp cũng là ăn thịt động vật, là sát sinh.

Thay lời kết

Thịt thực vật, thịt nuôi cấy, và thịt tổng hợp đúng là những loại thịt theo ý nghĩa khoa học, dinh dưỡng. Đây là thịt chay “chính hiệu”, sạch (clean), thực phẩm “trí tuệ” công nghệ 3.0, và hứa hẹn là những loại thịt “tương lai” của con người

Thịt chay cũng là món thịt sạch (clean meat) đúng nghĩa: hợp dinh dưỡng, an toàn, tốt hơn cả thịt động vật, có thể dùng cho cả hai giới ăn mặn lẫn ăn chay…Và đã là thịt sạch, thịt “hiện đại”, chúng ta nên an tâm sử dụng và đừng quan tâm lắm tên gọi là gì và xuất xứ từ đâu.

TS.BS Trần Bá Thoại

Bình Luận