09-03-2121 . bởi Phạm Tâm

Tọa đàm nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn trong ngành phi thực phẩm.

Ngày 12/3/2021 tại Hội Doanh nghiệp HVNCLC, buổi trao đổi thiết thực của hai diễn giả: ông Cao Minh Việt, ông Huỳnh Anh Tuấn và các doanh nghiệp Chuẩn hội nhập ngành phi thực phẩm.

Chuyên gia Cao Minh Việt: cho biết hiện nay có hàng nghìn loại tiêu chuẩn khác nhau, mỗi loại sản phẩm, mỗi thị trường khác nhau lại có những tiêu chuẩn và quy định khác nhau. Bạn và doanh nghiệp của bạn đã chuẩn bị những gì cho quá trình đuổi theo và đạt được các tiêu chuẩn này. Bản chất của tiêu chuẩn không phải là những thứ được áp từ bên ngoài vào doanh nghiệp. Tiêu chuẩn phải được xây dựng từ yêu cầu thực tế và từ nội lực của doanh nghiệp. Như vậy mới vững bền và mang lại những giá trị thực sự cho doanh nghiệp.

Tiêu chuẩn nên được hiểu là một tấm lưới mềm được tạo ra để doanh nghiệp nhìn nhận vấn đề (hình hài) của Hệ thống tiêu chuẩn chứ không phải là một khung cứng. Như vậy doanh nghiệp phải nắm được một cách chính xác khả năng thay đổi, biến đổi và độ tự do bên trong tấm lưới để tối ưu hóa các nguồn lực của mình, mang lợi lợi ích lớn nhất cho doanh nghiệp.

Và quan trọng nhất không phải là cái hình hài mà người ngoài nhìn thấy doanh nghiệp của bạn qua hình dạng của tấm lưới (Hệ thống tiêu chuẩn), mà là bạn đang có gì bên trong tấm lưới: những tấm gỗ đầy mối mọt, lỗ hổng được gắn với nhau một cách tạm bợ để nâng đỡ tấm lưới hay một căn nhà chắc chắn, vững chãi, được xây dựng từ gốc bởi chính những nhân viên của bạn.

Tiêu chuẩn không nên chỉ được xây dựng từ đội ngũ các chuyên gia tư vấn từ phía ngoài doanh nghiệp. Sợ nhất là các chuyên gia thuộc làu làu sách và các Bộ tiêu chuẩn.

Chuyên gia Huỳnh Anh Tuấn: Tiêu chuẩn ISO có mấy chục nghìn loại và áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau, thế nên doanh nghiệp tùy theo bối cảnh và nhu cầu của mình mà chọn áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO nào. Khi áp dụng tiêu chuẩn thì phải áp dụng thực vì khi khách hàng muốn chọn mình làm đối tác, chắc chắn họ sẽ xem xét đánh giá doanh nghiệp mình theo những tiêu chí cũng khắc khe như những yêu cầu của tiêu chuẩn vậy. Doanh nghiệp sẽ phải trả lời những câu hỏi trong Bảng đánh giá của khách hàng. Sau đó, khách hàng là những DN đối tác, nhà phân phối, DN FDI… có thể trực tiếp hoặc thông qua một tổ chức khác có khả năng, để thực hiện đánh giá thực tế tại nơi sản xuất của doanh nghiệp. Kinh nghiệm cho thấy, rất nhiều DN nhỏ và vừa của VN không đạt sau những cuộc đánh giá này. Các tiêu chí chính yếu được lần lượt xem xét như: giá thành sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm, bảo đảm sự ổn định chất lượng của sản phẩm, năng lực đáp ứng về số lượng & thời gian, hệ thống quản lý đảm bảo về chất lượng – môi trường – an toàn – trách nhiệm xã hội… Cũng có khách hàng giảm nhẹ yêu cầu ban đầu cho DN, nhưng họ sẽ phải cử người theo dõi, kiểm tra hoạt động sản xuất của DN có đảm bảo chất lượng sản phẩm như cam kết không; lẽ dĩ nhiên DN sẽ bị giảm lợi nhuận vì các chi phí kiểm tra của khách hàng tại nhà máy.

Nhiều công ty lớn nước ngoài tìm đối tác có thể cung cấp cho họ những linh kiện, phụ tùng… với số lượng lớn. Họ có thể hỗ trợ đào tạo, huấn luyện cho DN về tiêu chuẩn, kỹ năng, phương pháp quản lý, cải tiến công nghệ… để DN thêm vững vàng và ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm được giá thành sản phẩm, và lớn mạnh cùng với tập đoàn công ty họ. Nếu DN nhỏ có khả năng đáp ứng đều đặn một sản phẩm đạt chất lượng cho công ty lớn với cung cách chuyên nghiệp, thì DN đó vẫn có thể sống và phát triển bền vững.

Bùi Phước Hoà

Bình Luận