29-04-2222 . bởi Phạm Tâm

Trái cây Việt vẫn ‘trở tay’ không kịp trước yêu cầu mới

Việc không thích ứng kịp các quy định mới do một số thị trường đưa ra có thể khiến nhiều loại trái cây của Việt Nam rớt giá, tắc nghẽn đầu ra. Điều này cũng giảm khả năng cạnh tranh của trái cây Việt so với các đối thủ như Thái Lan trong việc chiếm lĩnh thị trường.

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu trái dừa sang thị trường Mỹ gặp rất nhiều khó khăn do phải đáp ứng quy định mới. Cụ thể, trước đây, phía Mỹ cho phép trái dừa xuất khẩu chỉ cần gọt hết vỏ xanh, giờ yêu cầu phải gọt đến tận sọ.

Trái dừa “tắc đường” sang Mỹ

Theo đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T Group, trước đây trung bình mỗi tháng doanh nghiệp này xuất khẩu từ 20-30 container dừa trái sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu dừa gặp khó do quy định mới trên.

Xuat-khau-trai-dua-2015-1650965077.png

“Việc không xuất khẩu được dừa sang thị trường Mỹ khiến doanh nghiệp bị thiệt hại. Doanh nghiệp không xuất khẩu được khiến người nông dân cũng chịu ảnh hưởng. Hiện, giá thu mua dừa tại Bến Tre cho bà con đã giảm 15-20%”, ông Tùng cho biết.

Công ty Vina T&T Group xuất khẩu trái dừa sang thị trường Mỹ từ năm 2017. Ông Tùng cho hay đến nay sau 5 năm mới phát sinh sự việc này. Trong điều luật của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) có đưa ra quy định về gọt vỏ trái dừa. Trước đây, người làm kiểm dịch của Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) vẫn đồng ý chỉ cần gọt hết vỏ xanh và để vỏ trắng. Nhưng hiện nay, phía chuyên gia Mỹ đã không cho nhập khẩu dừa tươi gọt vỏ trắng mà phải gọt tới phần sọ dừa.

Ông Tùng chia sẻ: “Quy định này không mới nhưng do doanh nghiệp không nắm được trước nên khó đáp ứng được yêu cầu trên, chưa kể nếu dừa gọt hết vỏ trắng thì bảo quản sẽ rất khó khăn”. Theo đó, doanh nghiệp vẫn đang chờ Bộ NN&PTNT đàm phán với phía cơ quan chức năng của Mỹ để chấp nhận nhập khẩu trái dừa theo quy định gọt vỏ cũ.

Đồng thời, lãnh đạo Vina T&T Group cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT khi đàm phán cần cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết về yêu cầu của từng thị trường để doanh nghiệp kịp thời ứng biến.

Tuy vậy, ở một góc nhìn khác, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng việc phía Bộ NN&PTNT đàm phán được với Mỹ để chấp nhận nhập khẩu trái dừa theo phương thức cũ là tốt với các doanh nghiệp. Nhưng nếu phía Mỹ không chấp nhận thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần sẵn sàng để thích ứng.

“Thái Lan làm được, mà mình không làm được thì mình thua ngay từ đầu rồi”, ông Nguyên nói.

Ông Nguyên cho biết, dừa của Thái Lan lâu nay vẫn thực hiện gọt đến tận sọ, tại sao họ làm được mà mình không làm được? Đây là vấn đề nằm ở công nghệ bảo quản.

Mặt khác, nếu gọt đến sọ, doanh nghiệp sẽ tiết giảm chi phí logistics hơn rất nhiều. Thùng đựng dừa thay vì đựng 8 trái, nếu gọt vỏ đến tận sọ thì có thể đựng được 10-12 trái. Như vậy, chi phí logistics rất hiệu quả. Có như vậy, doanh nghiệp Việt mới có thể cạnh tranh được với hàng Thái Lan.

Ông Nguyên dẫn chứng: Chẳng hạn một container, Việt Nam chỉ đi được 10.000 trái dừa, trong khi đó Thái Lan có thể đi được 15.000 trái, chi phí vận chuyển thấp sẽ tạo sức cạnh tranh rất lớn cho trái cây so với các sản phẩm cùng loại của các đối thủ.

Thông tin thị trường cần nhanh chóng 

Không chỉ câu chuyện của trái dừa ở thị trường Mỹ, hiện nay xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc vẫn đang đối mặt với khá nhiều khó khăn do quy định siết chặt. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 3/2022 đạt 344 triệu USD, giảm 14,4% so với tháng 3/2021. Tính chung 3 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 849 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm mạnh, đạt 455,4 triệu USD, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2021, tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường này chiếm 53,6%, giảm 9,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Tình hình dịch bệnh gia tăng tại thị trường Trung Quốc và với chính sách chống dịch như hiện nay, ảnh hưởng của các lệnh phong tỏa đã tác động đến nguồn cung hàng rau quả của Việt Nam tới thị trường này.

Việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp khó đang khiến nhiều loại trái cây đến vụ thu hoạch gặp khó khăn, như giá xoài Đài Loan, xoài Úc , thanh long, mít Thái… rớt giá, nông dân rơi vào tình cảnh thua lỗ.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), ước sản lượng quý II/2022, các địa phương vùng Nam bộ với 8 loại cây ăn quả chính (thanh long, chuối, xoài, mít, bưởi, cam, dứa, sầu riêng…) sẽ vào vụ thu hoạch khoảng 1,2 triệu tấn; trong đó vùng Đông Nam bộ có 246,6 nghìn tấn, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 943,5 nghìn tấn. Nếu không có giải pháp kịp thời trong khâu tiêu thụ, có khả năng các nhà vườn tiếp tục gặp cảnh được mùa, mất giá.

Điều này cho thấy khả năng thích ứng với yêu cầu của từng thị trường là rất quan trọng. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết Bộ đang dự thảo đề án về xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan ngoại giao và thương vụ Việt Nam bên Trung Quốc. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng xây dựng Đề án riêng cho thị trường EU…

“Chúng ta phải đi riêng từng nhóm thị trường. Từng nhóm thị trường đó phải củng cố liên minh hiệp hội xuất khẩu từng thị trường để chia sẻ thông tin”, ông Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng NN&PTNT cũng cho hay: “Hằng ngày khi chợ đầu mối Bắc Kinh (Trung Quốc) mở cửa thì một giờ sau, nông dân Thái Lan nắm bắt được giá cả, thị trường. Còn chúng ta hơi chậm hơn trong vấn đề thông tin đến doanh nghiệp và các hợp tác xã. Trong khi đó, không phải chúng ta “một mình một chợ” mà phải cạnh tranh với các nước xuất khẩu cùng một mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc. Bản thân Trung Quốc cũng trồng được những loại nông sản nhập của chúng ta. Do vậy, vấn đề thông tin là rất quan trọng”.

Nhật Linh

Bình Luận