Triển vọng sáng của quả nhãn tươi Việt Nam ở thị trường Nhật Bản
Lô nhãn tươi đầu tiên của Việt Nam đã có mặt tại Nhật Bản, nối dài danh sách các loại hoa quả tươi của Việt Nam xâm nhập thành công vào thị trường khó tính này sau thanh long, xoài và vải.
Vào cuối tuần trước, lô nhãn tươi đầu tiên của Việt Nam đã có mặt tại Nhật Bản. Đây là loại hoa quả tươi thứ 4 của Việt Nam xâm nhập thành công vào thị trường khó tính này sau thanh long, xoài và vải. Điều này mang lại niềm vui lớn cho những người trồng nhãn Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thâm nhập vào Nhật Bản đã khó nhưng việc duy trì chỗ đứng tại thị trường này còn khó hơn nhiều.
*Hành trình vào Nhật Bản
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết Việt Nam và Nhật Bản đã khởi động đàm phán về việc Nhật Bản mở cửa thị trường cho quả nhãn tươi của Việt Nam từ 6 năm trước. Cũng giống như các cuộc đàm phán cho các trái cây tươi khác trước đây, các cuộc đàm phán về việc Nhật Bản mở cửa thị trường cho nhãn tươi Việt Nam diễn ra khá khó khăn. Mặc dù vậy, nhờ những nỗ lực vận động của các lãnh đạo và cơ quan chức năng Việt Nam, ngày 23/11/2022, phía Nhật Bản đã chính thức cấp phép cho nhãn tươi Việt Nam vào thị trường này.
Trên cơ sở đó, ngày 3/1, Công ty TNHH Hoàng Phát đã xuất khẩu 10 tấn nhãn tươi sang Nhật Bản theo đường hàng không. Đây là lô nhãn tươi đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu vào Nhật Bản theo đường chính ngạch.
Theo Tham tán Tạ Đức Minh, sản phẩm xuất khẩu là giống nhãn Indo, được trồng ở vùng nguyên liệu liên kết tại các tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, và được đóng gói tại tỉnh Long An. Lô nhãn này đã lên kệ tại các siêu thị ở Nhật Bản vào cuối tuần trước và nhận được sự phản hồi tích cực từ người tiêu dùng Nhật Bản. Sau lô nhãn trên, mỗi tháng, Công ty TNHH Hoàng Phát dự định sẽ xuất khẩu từ 70 tấn đến 100 tấn nhãn tươi bằng đường biển và đường hàng không sang Nhật Bản.
Sau khi trái nhãn Việt Nam đã có mặt tại thị trường Nhật Bản, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản dự định sẽ phối hợp với các nhà xuất khẩu và các cơ quan chức năng Việt Nam để tổ chức các chương trình quảng bá đặc sản này tới đông đảo người tiêu dùng Nhật Bản cũng như người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản. Tham tán Tạ Đức Minh nói: “Tôi hy vọng quả nhãn tươi Việt Nam cũng có chỗ đứng vững chắc như quả vải thiều tươi”.
*Cần duy trì chất lượng
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều trái cây Việt Nam có mặt ở Nhật Bản và nhận được phản hồi khá tích cực từ người tiêu dùng nước này. Đáng chú ý, hiện nay, thanh long Việt Nam chiếm tới hơn 80% thị phần tại Nhật Bản, trong khi xoài tươi cũng chiếm thị phần 6,6% và chuối tươi chiếm thị phần 0,8%. Bên cạnh đó, một số loại trái cây mới được mở cửa thị trường trong 2 và 3 năm qua cũng đang khẳng định vị thế tại thị trường này như sầu riêng (chiếm thị phần 42,1%) và vải thiều (tươi hoặc đông lạnh) và nhãn đông lạnh (chiếm thị phần 40,3%).
Trong khi đó, tại Nhật Bản, quả nhãn được trồng ở một số tỉnh phía Nam như Kagoshima và Okinawa, nơi có khí hậu khá tương đồng với các nước Đông Nam Á, nhưng với sản lượng không đáng kể.
Vì vậy, việc Nhật Bản cấp phép cho quả nhãn tươi Việt Nam mở ra cơ hội rất lớn cho những người trồng nhãn trong nước. Bên cạnh đó, việc thâm nhập thành công vào Nhật Bản, vốn được coi là một trong những thị trường “khó tính” nhất thế giới, cho thấy trái nhãn tươi Việt Nam đã vượt qua các “phép thử” về chất lượng và hoàn toàn có thể xâm nhập các thị trường khác trên thế giới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thâm nhập được vào thị trường Nhật Bản đã rất khó nhưng việc duy trì chỗ đứng ở thị trường này còn khó hơn nhiều. Tham tán Tạ Đức Minh nói: “Mặc dù quả nhãn tươi Việt Nam đã thâm nhập thành công vào Nhật Bản nhưng chúng ta vẫn cần hết sức cẩn trọng. Nếu chỉ có một lô sản phẩm nào đó có chất lượng không đạt chất lượng hoặc có chất lượng kém hơn so với những gì chúng ta đã quảng bá, chúng ta sẽ mất uy tín, và một khi đã mất uy tín, việc lấy lại uy tín đó rất là khó”.
Tham tán Tạ Đức Minh cho biết các điều kiện nhập khẩu của Nhật Bản đối với quả nhãn tươi Việt Nam khá nghiêm ngặt như sản phẩm phải được cấp mã số vùng trồng, mã số nhà máy, không có tồn dư hóa chất, đảm bảo quy trình xử lý lạnh ở 1,3 độ C trong vòng 13 ngày dưới sự giám sát của chuyên gia Nhật Bản nhằm loại bỏ sinh vật gây hại. Sau khi hoàn tất quy trình xử lý lạnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ cấp chứng thư kiểm dịch thực vật xác nhận lô hàng đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu.
Do đó, theo các chuyên gia, để duy trì vị thế của quả nhãn Việt Nam tại thị trường Nhật Bản, người trồng nhãn cần chú trọng thực hiện đúng quy trình quản lý chất lượng trong mọi khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hái để đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Điều quan trọng là tuyệt đối không để tồn dư các loại hóa chất trong sản phẩm trước khi xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các công ty xuất khẩu cũng cần đầu tư các trang thiết bị và công nghệ bảo quản mới nhằm giúp cho quả nhãn tươi có thể giữ nguyên được màu sắc, hương vị trong thời gian lâu hơn so với trước đây. Nếu làm được điều đó, chắc chắn quả nhãn tươi Việt Nam sẽ có thị phần đáng kể giống như thanh long và vải thiều tại thị trường này./.
Đào Thanh Tùng
Bình Luận