Nguyên nhân khiến thanh long Việt “đi lùi”?
Thanh long từng góp mặt trong nhóm các sản phẩm xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam, nhưng giá trị xuất khẩu thanh long giảm dần trong 3 năm trở lại đây.
Riêng 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thanh long mới đạt 450 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ. Một trong những tác nhân làm cho ngành hàng tỷ đô có đi lùi thời gian qua là đến từ thị trường Trung Quốc. Việc Trung Quốc phát triển được diện tích lớn thanh long cũng là lý do khiến thanh long Việt Nam bán chậm hơn tại thị trường này.
Hiện diện tích thanh long của Trung Quốc khoảng 67.000 ha, sản lượng 1,6 triệu tấn, nhiều hơn Việt Nam về diện tích và sản lượng, đã đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu dùng trong nước của họ. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đây sẽ là một áp lực không nhỏ đối với ngành hàng thanh long của Việt Nam. Vì 80% thanh long xuất khẩu của Việt Nam đang tiêu thụ vào thị trường này.
“Đây là một khó khăn, thách thức rất lớn cho ngành thanh long và buộc phải tái cơ cấu lại ngành hàng thanh long, phát triển hiệu quả, bền vững, có tính cạnh tranh cao”, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.
8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thanh long mới đạt 450 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Ngành hàng sẽ lại phải rà soát lại diện tích thanh long, chỉ phát triển ở những địa phương có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nhất; phải chuẩn hóa lại các quy trình từ trồng trọt, thu hái và chế biến đóng gói theo tiêu chuẩn cao, có như vậy mới đa dạng được thị trường.
“Điều chỉnh ra quả trái vụ vào thời tiết mùa đông của Trung Quốc mà họ không có; khẩn trương tổ chức lại sản xuất, tổ chức hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó chuẩn hóa quy trình sản xuất”, ông Nguyễn Như Cường cho hay.
Bộ Công Thương cho rằng, đã có thay đổi lớn trong cơ cấu mặt hàng trái cây xuất khẩu Việt Nam. Nếu năm 2021, thanh long chiếm 43% trong cơ cấu các mặt hàng. Năm 2023, tỷ trọng thanh long đã giảm xuống còn 17,7%.
Thúy Lan
Bình Luận