05-01-2323 . bởi Phạm Tâm

160 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đem về hơn 700 triệu USD

Năm 2022, có hơn 160 doanh nghiệp Việt Nam có mặt hàng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc, mang về doanh số hơn 700 triệu USD, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu cá tra sang tất cả các thị trường đều ghi nhận tăng trưởng 2-3 con số nhờ nhu cầu và giá xuất khẩu tăng. Tuy nhiên, tháng 11, lần đầu tiên kể từ đầu năm, xuất khẩu cá tra đã bị sụt giảm so với cùng kỳ, là dấu hiệu tác động của lạm phát tại các thị trường.

-3280-1672823419.jpg

Dự báo xuất khẩu sang một số thị trường chủ lực trong quý I/2023 sẽ sụt giảm mạnh vì đơn hàng giảm và kết quả năm 2023 khó duy trì được như năm 2022, nhất là Mỹ, EU. Tuy nhiên, doanh nghiệp cá tra vẫn có thể linh hoạt điều chỉnh thị trường xuất khẩu vì vẫn có những tín hiệu lạc quan ở một số thị trường hoặc khối thị trường.

Theo đó, VASEP đánh giá Trung Quốc chắc chắn sẽ là kỳ vọng lớn nhất với ngành cá tra năm tới, sau khi nước này bỏ các quy định kiểm soát, xét nghiệm Covid đối với hàng nhập khẩu. Nới lỏng chính sách kiểm soát Covid sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và thủy sản của thị trường này. Dự báo các phân khúc tiêu thụ thực phẩm như khách sạn, nhà hàng, dịch vụ sẽ bùng phát nhu cầu trở lại từ Tết nguyên đán năm nay.

Trong số các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, Trung Quốc thu hút số doanh nghiệp xuất khẩu đông đảo nhất. Năm 2022, có hơn 160 doanh nghiệp Việt Nam có mặt hàng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc, mang về doanh số hơn 700 triệu USD, chiếm 29% tổng xuất khẩu cá tra.

Bên cạnh thị trường Trung Quốc, các nước ASEAN cũng có sức hút lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam. Tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu cá tra sang khối thị trường này đạt 183 triệu USD, tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái. ASEAN chiếm 8% tổng xuất khẩu cá tra gần 2,3 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm nay.

Trong đó, nổi trội nhất là thị trường Thái Lan, chiếm trên 45% giá trị nhập khẩu cá tra của toàn khối. Thị trường này đã thu hút được gần 80 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Sau Covid, Thái Lan đã mở cửa hoàn toàn và ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ. Các phân khúc nhà hàng, khách sạn lại tạo ra dư địa lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm.

Cùng với lợi thế về địa lý, ít rủi ro và ảnh hưởng bởi vấn đề logistics, lợi thế về thuế quan ưu đãi nhờ các hiệp định FTA khu vực và song phương với Việt Nam, ASEAN trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp cá tra.

Top 4 thị trường trong khối ASEAN nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam gồm Thái Lan, Singapore, Malaysia và Philippines, đều tăng từ 50 – 93% nhập khẩu cá tra trong 11 tháng qua.

Trung Đông cũng được đánh giá là một khu vực kinh tế ổn định trong năm 2022 và 2023, và cũng là thị trường tiêu thụ cá tra tiềm năng. Xuất khẩu sang Trung Đông trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt 129 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước. Khối thị trường này chiếm gần 6% xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong năm 2022.

Top 3 thị trường trong khu vực Trung Đông, nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam gồm Ai Cập, UAE và Ả Rập Xê Út. Trong đó, tăng bứt phá nhất là Ả Rập Xê Út với mức tăng 165% trong 11 tháng đầu năm.

Ngoài ra, khối thị trường CPTPP vẫn có sức hút với các doanh nghiệp cá tra vì lợi thế thuế quan và một số thị trường trong khối có tăng trưởng kinh tế ổn định và khả quan so với các thị trường khác.

“Với những xu hướng thị trường này, kỳ vọng là các doanh nghiệp cá tra Việt Nam sẽ tiếp tục linh hoạt nắm bắt cơ hội và lợi thế thị trường để giữ tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023”, VASEP đánh giá.

Thy Lê

Bình Luận