Dự báo cơ hội của các nông sản chủ lực Việt Nam sang Mỹ
Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, bước sang năm 2023, xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ dành thuận lợi cho rau quả, gạo, cao su. Ngược lại, gỗ, thủy sản lại có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại.
Xuất khẩu nông sản sang Mỹ sẽ gặp khó khăn
Báo cáo dự báo thị trường nông sản của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), vừa phát hành cho thấy, nhập khẩu nông sản của Mỹ trong năm 2023 được dự báo ở mức 199 tỷ USD, cao hơn 5 tỷ USD so với mức 194 tỷ USD được ghi nhận cho năm tài chính 2022 và cao hơn 2 tỷ USD so với dự báo tháng 8 vừa qua.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đồng USD mạnh làm cho hàng nông sản nhập khẩu có giá khá phải chăng đối với thị trường nội địa Mỹ và giải thích một phần áp lực tăng vừa phải đối với lượng nhập khẩu.
Tuy nhiên, áp lực gia tăng đối với hàng nhập khẩu của Mỹ dự kiến sẽ được giảm bớt do nền kinh tế nước này dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại cùng với lạm phát tiếp tục, sẽ làm giảm nhu cầu trong nước đối với hàng tiêu dùng cũng như các sản phẩm nông nghiệp.
Mặc dù các sản phẩm nông nghiệp sẽ ít bị ảnh hưởng bởi những yếu tố này do người tiêu dùng Mỹ vẫn ưu tiên tiêu dùng thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác hơn, nhưng vẫn có thể có một số tác động đến nhu cầu nhập khẩu nông sản của nước này.
Trong khi đó, xuất khẩu nông sản của nước này trong năm 2023 dự tính đạt 190 tỷ USD, giảm 3,5 tỷ USD so với dự báo được đưa ra hồi tháng 8. Sự sụt giảm chủ yếu do giảm xuất khẩu của đậu nành, bông và ngô.
Tuy nhiên, xuất khẩu gia súc, gia cầm và sữa được dự báo sẽ tăng thêm 300 triệu USD lên 41,4 tỷ USD, do xuất khẩu thịt bò, gia cầm và các loại thịt tăng nhiều hơn sẽ bù đắp cho sự sụt giảm của thịt lợn và sữa.
Bên cạnh đó, theo Cục Dự trữ Liên bang (Fed), nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng nhẹ cho đến đầu tháng 10, các hoạt động chậm lại làm gia tăng lo ngại suy thoái trong bối cảnh có một số dấu hiệu áp lực lạm phát giảm bớt.
Dự báo Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát lạm phát, bảo hộ sản xuất trong nước, đồng thời, gây sức ép mở cửa các thị trường xuất khẩu… Điều này khiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này sẽ gặp khó hơn trong thời gian tới.
Dự báo cơ hội xuất khẩu 2023
Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn đã có khảo sát tình hình xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong năm 2023.
Trong đó, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trái cây tươi, chất lượng tốt luôn có giá trị xuất khẩu cao nhưng công nghệ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển của Việt Nam còn hạn chế khiến nhiều loại sản phẩm khi đến các thị trường xa như châu Âu, Mỹ không còn tươi ngon, rất khó bán.
Chính vì vậy, phát triển công nghiệp chế biến, công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và phát triển logistics phục vụ vận chuyển rau quả là yếu tố quan trọng để rau quả Việt Nam tiến sâu vào thị trường Mỹ.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của thuỷ sản Việt Nam. Tuy nhiên, nhập khẩu thủy sản của Mỹ sẽ có xu hướng giảm trong những tháng cuối năm 2022 do ảnh hưởng của tình hình lạm phát tại quốc gia này.
Đơn hàng xuất khẩu thủy sản mới có xu hướng thấp hơn mọi năm, nhiều đơn hàng bị đề nghị hoãn giao hàng, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chú ý hơn đến chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường này.
Trong khi đó, các dấu hiệu xuất khẩu gạo lại có những dấu hiệu tích cực, bởi bang California (Mỹ) sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của năm thứ ba liên tiếp bị hạn hán. Tình trạng nắng nóng và thiếu nước đã khiến cho nhiều diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có diện tích trồng lúa.
Theo thống kê ban đầu, các khu vực trồng lúa chính của Bang như quận Sutter, Colusa và Glenn đã bị ảnh hưởng nặng nề với 267 nghìn mẫu (tương đương 108,1 nghìn ha) đã bị bỏ hoang vì thiếu nước.
Trong khi đó, ở khía cạnh xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ có phần giảm sút. Bởi hoạt động xây dựng nhà ở mới của Mỹ đã giảm 4,2% trong tháng 10 do lãi suất vay nợ cao khiến người mua hạn chế chi tiêu và buộc các nhà xây dựng phải thu hẹp quy mô, tình trạng này có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2023.
Thị trường nhà ở tại Mỹ bắt đầu chậm lại với tốc độ hàng năm là 1,43 triệu vào tháng 10 từ mức 1,49 triệu trong tháng 9. Kéo theo đó, nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất của Mỹ có thể tiếp tục giảm trong những tháng tới.
Ngược lại với gỗ, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Mỹ trong thời gian tới lại có dấu hiệu lạc quan, khi giá nhiên liệu và nhu cầu chung về năng lượng tại Mỹ dự kiến sẽ giảm, làm giảm áp lực đối với giá cả, đặc biệt là chi phí vận tải.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2022, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 11,1 tỷ USD, chiếm 25% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của cả nước, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 5,7% so với 9 tháng đầu năm 2022.
Trong tháng 10/2022, một số mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam sang Mỹ là gỗ và các sản phẩm gỗ (chiếm 63,7%), thủy sản (16,1%), hạt điều (7,6%).
So với tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông lâm thủy sản chính của Việt Nam sang Mỹ đều tăng như gạo (tăng 50,6%), hạt điều (tăng 18,1%), hạt tiêu (tăng 18%), rau quả (tăng 16,6%), cà phê (tăng 14,9%).
Ngược lại chỉ có mặt hàng chè và nhóm sản phẩm thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm mạnh, lần lượt giảm 36,8% và 29,4%.
Phương Thảo
Bình Luận