18-05-2222 . bởi Phạm Tâm

Giá lương thực thế giới tăng kỷ lục: Việt Nam nắm bắt thời cơ trong thách thức

Giá lúa mì thế giới tăng lên mức kỷ lục. LHQ cảnh báo cuộc khủng hoảng an ninh lương thực trên thế giới? Điều này tác động như thế nào đến Việt Nam.

Ấn Độ bất ngờ dừng xuất khẩu lúa mỳ. Quyết định được đưa ra trong lúc thị trường hàng nông sản toàn cầu đang chịu sức ép lớn bởi cuộc xung đột Nga – Ukraine. Điều này đẩy giá giá lúa mỳ ở thị trường châu Âu hôm qua đã tăng lên mức kỷ lục… Với Việt Nam, lúa mỳ không phải là thực phẩm thiết yếu nhưng là đầu vô cùng quan trọng của thức ăn chăn nuôi. Việc tăng giá của mặt hàng này khiến các doanh nghiệp chăn nuôi có nguy cơ bị “bào mòn” lợi nhuận vì chi phí sản xuất tăng đột biến

Theo Tổng cục Hải quan, trong quý I vừa qua, lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt trên 1 triệu tấn, tương đương trên 384 triệu USD, tăng 19,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, giá trung bình tăng 36%.

Việt Nam nhập khẩu lúa mì phần lớn từ thị trường Australia, chiếm trên 70 % trong tổng lượng và tổng kim ngạch lúa mì nhập khẩu của cả nước, tiếp sau đó là thị trường Brazil chiếm trên 18%. Thị trường Mỹ đứng thứ 3 chiếm 9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước.

Nhìn chung, trong quý I/2022 kim ngạch nhập khẩu lúa mì từ đa số các thị trường tăng mạnh so với quý I/2021.

Giá lương thực thế giới tăng kỷ lục: Việt Nam nắm bắt thời cơ trong thách thức - Ảnh 1.

Tác động của giá lúa mì đến chăn nuôi

Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hơn 22 triệu tấn nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi thì lúa mì đang chiếm gần 2 triệu tấn. Hiện sản lượng lúa mì của 3 nước Nga, Ukraine và Ấn Độ đang vào khoảng 218 triệu tấn, chiếm gần 30% thị phần toàn cầu. Như vậy, Việt Nam và nhiều quốc gia sẽ khó tránh khỏi những tác động.

Hiện các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đang giữ tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu dao động trong khoảng 50-60%. Ngô, lúa mì, đậu tương là những nguyên liệu chủ lực. Vì thế, xu thế tăng giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tiếp diễn mà chưa biết điểm dừng.

Xung đột Nga – Ukraine và động thái của Ấn Độ còn làm gia tăng làn sóng bảo hộ lương thực tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, theo Cục Chăn nuôi, với sản lượng lúa gạo chiếm gần 10% toàn cầu, Việt Nam chưa đến mức phải giảm hoặc dừng xuất khẩu ngay cả với các nguyên liệu như sắn, cám, mỡ cá… nhưng cần có giải pháp để chủ động lâu dài.

Xuất khẩu gạo 4 tháng vượt 1 tỷ USD

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, riêng trong tháng 4, Việt Nam xuất khẩu khoảng 550 nghìn tấn gạo với giá trị đạt trên 270 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm nay đạt hơn 2 triệu tấn với giá trị 1 tỷ USD.

Giá lương thực thế giới tăng kỷ lục: Việt Nam nắm bắt thời cơ trong thách thức - Ảnh 2.

Tuy giảm nhẹ về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá gạo của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao hơn so các với các nước. Chẳng hạn với gạo 5% tấm, giá của Thái Lan ở mức 410 – 412 USD/tấn, gạo 5% tấm của Ấn Độ chỉ hơn 360 USD thì gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam sau khi tăng lên mức 425 USD/tấn vào giữa tháng 4 cao hơn hẳn so với các cường quốc xuất khẩu gạo còn lại.

Riêng thị trường EU, xuất khẩu gạo trong quý I của Việt Nam đã tăng gần 4 lần về lượng và tăng 4,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 22.500 tấn gạo, thu về gần 18 triệu USD.

Thế giới đối mặt với khủng hoảng lương thực

Liên hợp quốc đã cảnh báo: căng thẳng ở Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga đã làm gián đoạn nguồn cung lương thực toàn cầu, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng an ninh lương thực vốn đã ngày càng sâu sắc ở nhiều quốc gia. Các Bộ trưởng G7 đã nhất trí hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp nhỏ, nơi cung cấp tới 60% nguồn lương thực cho thế giới. An ninh lương thực mất cân đối nghiêm trọng, nếu không sớm có biện pháp, đây có thể trở thành một vấn đề chính trị gây hậu quả khôn lường.

Giá lương thực thế giới tăng kỷ lục: Việt Nam nắm bắt thời cơ trong thách thức - Ảnh 3.

Hình minh họa. (Ảnh: Business Recorder)

Lạm phát hoành hành trên toàn thế giới đã ảnh hưởng nặng nề đến 33 triệu dân Peru, đặc biệt là 10 triệu người nghèo sống ở mức 3 USD/ngày.

Còn tại thủ đô Beirut của Lebanon, hàng dài người xếp hàng mua bánh mỳ. Ông Mohti Azzam, người dân Lebanon nói: “Giá bánh mỳ rất cao nhưng chúng tôi vẫn phải xếp hàng mua. Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác. Chúng tôi có mấy đứa con nên phải mua cho chúng ăn”.

Lebanon phụ thuộc phần lớn vào viêc nhập khẩu lương thực với 70% lượng lúa mỳ nhập khẩu từ Ukraine. Giá lương thực ở Lebanon đã tăng gấp 11 lần trong khi đồng nội tệ của nước này mất 90% giá trị.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực thế giới vừa qua đã ghi nhận mức cao kỷ lục mới khi tăng gần 13% chỉ trong 1 tháng. An ninh lương thực có nguy cơ trở thành vấn đề an ninh quốc gia và có ảnh hưởng lớn tới chính trị. Đó là điều mà các nhà kinh tế rút ra qua những bài học về biến động trên thế giới và cảnh báo cần phải có hành động ngay lập tức.

Việt Nam đang có những lợi thế nhất định về nguồn cung. Dự báo, xuất khẩu gạo và nhiều nông sản Việt Nam sẽ tăng trong những tháng tới. Vấn đề là sự định hướng bám sát biến động thế giới của cơ quan quản lý nhà nước để dẫn dắt ngành nông nghiệp nắm bắt thời cơ trong thách thức.

Theo VTV

Bình Luận