29-07-2222 . bởi Phạm Tâm

Hợp tác xã thay đổi tư duy để thích ứng với thị trường Trung Quốc

Hệ lụy của việc vi phạm an toàn thực phẩm và không đáp ứng được các yêu cầu về kiểm soát dịch Covid-19 khiến HTX, doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc bị thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng về uy tín… Chính vì vậy, quan tâm đến các phương pháp phòng ngừa đi liền với thay đổi cách nhìn nhận về thị trường sẽ giúp các HTX, doanh nghiệp tận dụng được cơ hội từ thị trường hơn tỷ dân.

Để bảo đảm chất lượng hàng hóa và kiểm soát dịch Covid-19, Trung Quốc đã ban hành Lệnh số 248 về “Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu”, Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”. Hai lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, nhưng đến nay vẫn còn không ít HTX, doanh nghiệp xuất khẩu lúng túng trước các quy định.

Áp lực lớn, rủi ro nhiều

Theo ông Trần Văn Định, Giám đốc HTX nông lâm Nam Hà (Đăk Nông), dù sản xuất theo quy mô lớn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm từ cánh đồng đến bàn ăn nhưng các thành viên vẫn không biết sản phẩm gấc sấy khô có nằm trong danh mục sản phẩm được xuất qua Trung Quốc không?

8-3-1647110861220-1492-1658833404.jpg

Hay như các thành viên HTX Nông Thành Phát (Bình Phước) cho biết, hiện nay có nhiều đơn vị làm dịch vụ cung cấp thuốc bảo vệ thực vật đến tiếp cận người dân và đều quảng cáo loại thuốc nào cũng tốt nên người dân không biết sử dụng loại nào. Trong khi thực tế không phải thuốc nào cũng sử dụng được cho sầu riêng xuất khẩu theo Lệnh 248 và 249, nên HTX mong muốn các cơ quan cung cấp danh mục thuốc bảo vệ thực vật riêng cho sầu riêng một cách phổ biến hơn.

Những lo lắng, băn khoăn của các HTX thực chất không phải là không có cơ sở, bởi chia sẻ tại Hội nghị “Xuất khẩu nông sản, thực phẩm Việt thích ứng với bối cảnh tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt về phòng chống Sar-CoV2, thực thi Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc”, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung cho biết: Hiện, Cục Bảo vệ thực vật đã có danh mục các loại thuốc cho phép sử dụng trên một số loại cây như sầu riêng, chanh leo… nhưng được cập nhật trên phần mềm. Người dân, HTX, doanh nghiệp phải tra cứu trên điện thoại mới nắm bắt được rõ danh mục thuốc cho phép.

Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn vì không phải người dân, thành viên HTX nào cũng thông thạo trong việc sử dụng các ứng dụng trên điện thoại.

Hay đối với các mặt hàng xuất khẩu, Lệnh 248 quy định rõ, toàn bộ doanh nghiệp, HTX nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu đi Trung Quốc đều phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc (trực tiếp hoặc thông qua cơ quan quản lý) để nhận mã số, sau đó mới được phép xuất khẩu. Trong khi việc tự đăng ký online với cơ quan Hải quan Trung Quốc là việc khó đối với các doanh nghiệp, HTX Việt Nam bởi trên trang web này mới có tiếng Anh và tiếng Trung. Trong khi các HTX thì hạn chế về mặt nhân lực có trình độ và am hiểu về thị trường Trung Quốc.

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) cũng cho biết, từ đầu năm 2022, do tình hình dịch bệnh hai nước Việt – Trung diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu đường bộ trên toàn tuyến biên giới, trong đó có các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.

Đặc biệt, với chính sách “Zero Covid”, phía Trung Quốc kiểm soát rất chặt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là từ bên ngoài. Theo đó, Trung Quốc yêu cầu rất cao đối với công tác phòng chống dịch trong hoạt động thông quan hàng hóa.

Theo Cục Quản lý chất lượng nông – lâm sản và thủy sản, 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam có 130 lô hàng bị Trung Quốc cảnh báo nhiễm Covid-19 trên bề mặt ngoài, bề mặt trong bao bì sản phẩm, thành trong container và trong sản phẩm.

Phía Trung Quốc đã tạm dừng thủ tục nhập khẩu của các doanh nghiệp bị cảnh báo từ 1 – 9 tuần, đồng thời tiến hành kiểm tra trực tuyến hơn 30 doanh nghiệp của Việt Nam. Theo Lệnh 248, 249 đối với doanh nghiệp bị cảnh báo, nếu trong quá trình kiểm tra trực tuyến trả lời được các câu hỏi của phía Trung Quốc thì sẽ xem xét được xuất khẩu trở lại, nếu không sẽ bị cấm xuất khẩu.

Đặc biệt, nếu các lô hàng bị cảnh báo nhiều, vấn đề lo ngại đặt ra là phía Trung Quốc sẽ xem xét, áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm chặt chẽ hơn. Điều này sẽ càng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp, HTX.

“Các doanh nghiệp, HTX có lô hàng bị cảnh báo nhiễm Covid-19 từ phía Trung Quốc sẽ bị thiệt hại khá nặng vì vừa không thể thông quan và phải thực hiện biện pháp khắc phục để có thể xuất khẩu trở lại như trước”, ông Hoàng Trung nói.

Nhìn nhận đúng về thị trường Trung Quốc

Theo các chuyên gia, thị trường Trung Quốc đang siết chặt hơn trong việc nhập khẩu nông sản, hàng hóa. Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hiện nay không chỉ Trung Quốc mà nhiều thị trường khác cũng có những yêu cầu ngày càng cao về kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và dịch bệnh. Chính vì vậy, quan niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính cần được được xem xét và nhìn nhận lại.

Bởi hiện nay, 1/3 nông sản thực phẩm mà Trung Quốc nhập khẩu là phục vụ cho tầng lớp trung lưu nên yêu cầu về chất lượng, mẫu mã đóng gói cao. Tuy nhiên, theo bà Trần Hà Trang, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải, các doanh nghiệp, HTX Việt Nam hiện nay lại bỏ qua những điều này. Hầu hết các sản phẩm mà doanh nghiệp, HTX gửi sang tham gia các triển lãm tại Trung Quốc đều có mẫu mã sơ sài, đạt dưới mức yêu cầu nên rất khó thuyết phục và cạnh tranh.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc thay đổi các quy định về kiểm soát dịch bệnh cũng cần được thay đổi cách nhìn nhận. Bởi, trong quá trình cơ quan chức năng hai nước làm việc, phía Trung Quốc luôn khẳng định chính sách về xuất nhập khẩu của nước này là nhất quán chứ không thất thường, gây khó dễ như nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hiểu.

“Trung Quốc thay đổi chính sách nhiều lần nhưng cần hiểu là chính sách của Trung Quốc thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Khi nước này ban hành một quy định nào đó đều được kiểm soát nghiêm ngặt từ các tổ chức, cơ quan liên quan và được áp dụng chung cho các nước nhập khẩu vào Trung Quốc chứ không riêng Việt Nam”, bà Trang nói.

Do đó, để tận dụng và đáp ứng được các nhu cầu của thị trường này, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, thương hiệu cụ thể. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý, giám sát chất lượng cũng như tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu.

Với các doanh nghiệp, HTX cần tìm hiểu kỹ về Lệnh 248, 249 và ngay lập tức triển khai đăng ký mã số xuất khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp, HTX cũng cần nghiên cứu kỹ về nhu cầu cũng như mở rộng thêm các hình thức xúc tiến vào thị trường Trung Quốc.

Cụ thể như hiện Trung Quốc rất quan tâm và ưa chuộng phương thức khai thác thị trường thông qua thương mại điện tử, tận dụng xuất nhập khẩu qua các sàn. Thế nhưng, đây lại là hạn chế từ phía Việt Nam, nhất là trong phương thức thanh toán do thiếu đội ngũ thông thạo thị trường, hạn chế ngôn ngữ.

TS Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp, HTX cần nghiên cứu kỹ nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc, tránh để mất thương hiệu tại nước ngoài.

Một điểm quan trọng nữa trong giai đoạn hiện nay là kiểm soát chặt chẽ về tiêu chuẩn hàng hóa, đặc biệt là các yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19 của phía Trung Quốc. Các quy định này bắt buộc các doanh nghiệp, HTX phải tuân thủ thì mới xuất khẩu được.

“Muốn vậy, các HTX, doanh nghiệp cần có một hệ thống hoàn thiện từ hồ sơ, quy trình sản xuất và giám sát các mối nguy trong suốt quy trình. Nếu không giám sát được các mối nguy này thì doanh nghiệp, HTX sẽ luôn đứng trước các nguy cơ, thậm chí là không được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nữa khi bị Tổng cục Hải quan nước này kiểm tra đột xuất”, TS Lê Thanh Hòa nhấn mạnh.

Huyền Trang

Bình Luận